Nỗi niềm cây tỏi Lý Sơn

10:03, 08/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa này, tiết trời ở đảo Lý Sơn thật dễ chịu với ánh nắng dịu nhẹ và những làn gió biển thoảng qua. Ấy vậy mà lòng người thì xót lắm, bởi vui sao đặng khi người nông dân khóc ròng trên đồng tỏi.

TIN LIÊN QUAN

Giữa trưa. Tiếc cho những đám tỏi gần như mất trắng sau những tháng ngày vất vả chăm sóc, nhiều nông dân trên đảo Lý Sơn vẫn nán lại ngoài đồng để nhặt nhạnh những gì có thể. Tỏi Lý Sơn thơm ngon có tiếng không một nơi nào có được, vậy mà giờ khi nhấm thử củ tỏi ngay tại cánh đồng, chúng tôi cảm nhận như có vị đắng trên đầu môi.

Mất mùa tỏi

Người đầu tiên chúng tôi gặp trên đồng tỏi là anh Phan Văn Vui, ở thôn Đông, xã An Vĩnh. Thường thì nghe tên gọi của anh đã khiến mọi người nhẹ lòng, nhưng giờ anh Vui buộc miệng bảo: “Buồn não ruột chứ vui gì”. Để có tiền nuôi 3 đứa con ăn học, vợ chồng anh Vui “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngoài đồng tỏi. Vụ này, anh Vui trồng 10 sào tỏi, trong đó có 9 sào là đất thuê. “Mình thuê rẻ, đến khi thu hoạch, mình được 80, chủ đất 20. Năm nay thì thôi rồi, nghề trồng tỏi ngày càng chua”, anh Vui buồn thiu nói.

Ông Võ Thôn, ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) ngồi thẫn thờ trên đồng tỏi.
Ông Võ Thôn, ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) ngồi thẫn thờ trên đồng tỏi.


Mọi năm, anh Vui thu được cả thảy 5 tấn tỏi tươi trong một vụ, còn năm nay chưa được phân nửa, do tỏi bị sâu bệnh. “Giá tỏi tươi hiện giờ khoảng 40.000đồng/kg, như thế là được giá, nhưng tiếc là bị mất mùa", anh Vui tiếp tục câu chuyện.  Vị “đắng”, vị “chua” của nghề trồng tỏi ở Lý Sơn khiến người nông dân thấm thía, nhưng họ vẫn bám đất để trồng tỏi, bởi đó là cây trồng chính nơi đất đảo, là nguồn sống của hàng nghìn hộ gia đình. Cách đây dăm ba tháng, anh Vui cũng như nhiều nông dân ở Lý Sơn một phen lao đao khi phải “bán tháo, bán đổ” củ tỏi mà một thời được xem là vàng trắng. Giá tỏi khô khi đó hạ xuống còn 20 - 30 nghìn đồng/kg, thay vì cả trăm nghìn đồng mỗi kg vào thời điểm được giá. Xót lắm, nhưng họ đành phải bán, vì nếu tiếp tục trữ tỏi sẽ mọc mộng, lúc ấy chỉ còn cách đổ đi.    

Bóng dáng người nông dân thấp thoáng trên đồng tỏi mặc cho cái nắng ban trưa. Những lần trước khi rảo bước trên những cánh đồng ở Lý Sơn, chúng tôi vẫn thường bắt gặp nụ cười tươi rói của các bác nông dân. Giờ thì mọi người buồn ủ rũ. Ông Võ Thôn (64 tuổi), ở thôn Tây, xã An Vĩnh, ngồi thừ giữa đám tỏi khô trụi lá. Ông Thôn trồng 8 sào tỏi, nhưng gần như không thu hoạch được. “Mất trắng cả rồi. Mất tiền thuê người chăm sóc suốt 4 tháng trời, rồi thì tốn công tưới nước...”, ông Thôn thở dài.

Đã hơn 50 năm gắn bó với nghề trồng tỏi, ông Thôn luôn tự hào mỗi khi nói đến củ tỏi quê mình. Ông Thôn bảo: “Tỏi Lý Sơn có hương vị thơm ngon không đâu bằng, nhiều tinh chất tốt cho sức khỏe. Tỏi ở đâu mang về đây trồng thì cũng vẫn một mùi vị được tạo nên từ chất đất chỉ có ở Lý Sơn. Tỏi Lý Sơn quý hiếm là vậy”. Nói rồi, ông Thôn nhìn quanh cánh đồng tỏi mênh mông. Ông lão chép miệng: “Chăm sóc cây tỏi đã vất vả, lo mất mùa, giờ thêm lo chuyện tỏi nơi khác trà trộn vào, giả danh tỏi Lý Sơn. Buồn nẫu ruột”.  

Mặc dù giá cả không ổn định, nhưng nông dân Lý Sơn vẫn bám đất trồng hành, tỏi. Mỗi khẩu được 100m2 đất nông nghiệp, người dân trồng xen kẻ hành, tỏi, đậu, bắp… Riêng đối với cây tỏi trồng từ tháng 9 đến tháng 2 âm lịch, vì mùa đông trên đảo chỉ có cây tỏi là chịu được sức gió. Hiện nay, huyện đã hợp đồng với một đơn vị tư vấn để hoàn thiện hồ sơ liên quan đến chỉ dẫn địa lý, đây là giải pháp bền vững trong việc giữ thương hiệu cây tỏi, có cơ sở pháp lý để xử lý trường hợp vi phạm, đảm bảo đời sống cho người dân trồng tỏi.

 

Đau đầu phân biệt tỏi “thật”, tỏi “giả”

Một người bạn đồng nghiệp của chúng tôi bảo rằng: “Vượt biển ra đảo, cầm trên tay bụi tỏi nguyên gốc thế này mới tin là tỏi Lý Sơn”. Tôi hiểu được ý của anh bạn đồng nghiệp, cũng giống như nhiều người, lâu nay không phân biệt được đâu là tỏi Lý Sơn và tỏi ở những địa phương khác đưa về. Nghe thế, Bí thư Đảng ủy xã An Vĩnh Nguyễn Dự cho biết: Những người dân Lý Sơn sẽ nhận ra ngay đâu là tỏi trên đất đảo vì hương vị rất riêng. Với những người “sành” ăn tỏi Lý Sơn, thì khó mà sử dụng tỏi khác để thay thế vì "nghiện" vị tỏi ở đảo. Biết rằng vậy, nhưng vì lợi ích kinh tế, một số người đã đưa tỏi ở những nơi khác ra Lý Sơn để tiêu thụ với danh nghĩa tỏi Lý Sơn. Ngay cả trên đất liền, nhiều nơi bày bán tỏi ở những nơi khác và bảo rằng đó là tỏi Lý Sơn!

Anh Phan Văn Vui, ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn) cố gắng nhặt nhạnh trên đồng tỏi bị hư hại nặng do sâu bệnh.
Anh Phan Văn Vui, ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn) cố gắng nhặt nhạnh trên đồng tỏi bị hư hại nặng do sâu bệnh.


Tỏi Lý Sơn quý hiếm, thương hiệu tỏi Lý Sơn từ khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí ở nước ngoài, mọi người đều biết. Có điều rất khó để nhận biết đâu là tỏi Lý Sơn, nếu không ra tận đồng ruộng nơi đất đảo. Câu chuyện “giải cứu” tỏi Lý Sơn vào cuối 2018 khiến nhiều người xót lòng cũng vì lẽ đó. Giá tỏi khô Lý Sơn rớt thê thảm, chỉ còn 20 - 30 nghìn đồng/kg. Trước đó, tỏi Lý Sơn có giá 100 - 120 nghìn đồng/kg. Sản lượng tỏi Lý Sơn thu hoạch hằng năm đâu nhiều để phải “giải cứu”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: Toàn huyện có hơn 300ha trồng tỏi, mỗi năm thu hoạch khoảng 1.800 tấn. Chừng ấy tỏi không đủ để đáp ứng nhu cầu mua làm quà biếu của khách tham quan, chứ chưa nói đến vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Loại tỏi một (tỏi cô đơn) ở Lý Sơn thì càng hiếm hơn, có khi cả chục sào mới thu được một vài kg tỏi cô đơn thì lấy đâu ra mà cung ứng thường xuyên. Giữ vững thương hiệu tỏi Lý Sơn là bài toán khiến các cơ quan chức năng ở huyện Lý Sơn đau đầu và là cũng nỗi buồn chưa dứt của người nông dân trên đất đảo.

Bà Phạm Thị Hương cho biết, trong khi tỏi Lý Sơn có giá 40 - 50 nghìn đồng/kg thì tỏi ở những nơi khác có giá chỉ mười mấy nghìn; tỏi cô đơn Lý Sơn giá có 1 - 1,2 triệu đồng/kg thì tỏi ở nơi khác chỉ vài trăm nghìn đồng. “Rất khó để xử phạt người dân khi họ mang tỏi ở nơi khác về Lý Sơn. Nhiều người lấy lý do mang về làm giống chứ không bán, vả lại họ không để tỏi trong bao bì, hộp có nhãn mác tỏi Lý Sơn, nên chẳng có cơ sở nào để xử lý. "Giải pháp để giữ thương hiệu tỏi Lý Sơn hiện nay chủ yếu là tuyên truyền cho thương lái và người dân không trà trộn, vận chuyển tỏi ở nơi khác về Lý Sơn”, bà Hương cho biết thêm.

Dẫu thế nào chăng nữa, tỏi vẫn là cây trồng chính của người dân Lý Sơn từ bao đời nay. Mùi thơm và chất tỏi Lý Sơn không lẫn vào đâu được đúng như suy nghĩ rất mộc mạc, chân chất của người dân đất đảo. Họ vẫn luôn tin rằng không lâu nữa sẽ có giải pháp bền vững để giữ thương hiệu tỏi Lý Sơn, đưa tỏi Lý Sơn trở về với đúng giá trị vốn có của nó.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


CÁC TIN KHÁC
.