Thành lập hợp tác xã lâm nghiệp: Giải pháp phát triển kinh tế rừng bền vững

09:06, 09/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm hướng đến phát triển kinh tế rừng bền vững và tăng khả năng phòng hộ của rừng, tỉnh cần có cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập hợp tác xã lâm nghiệp. Bởi lẽ, các HTX này sẽ là nơi gắn kết và là “bà đỡ” cho người dân nâng cao giá trị, chủ động được đầu ra cho rừng trồng.
Tiên phong hình thành chuỗi giá trị
 
Người trồng rừng trên diện tích nhỏ theo từng hộ gia đình rất khó phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường. Để khắc phục điểm yếu này, các chủ rừng, hộ thành viên trên địa bàn xã Đức Lân (Mộ Đức) đã chủ động gắn kết, thành lập HTX Lâm nghiệp phát triển bền vững Đức Lân.  
 
Rừng trồng gỗ lớn tại xã Đức Lân (Mộ Đức) đang được thành viên HTX Lâm nghiệp phát triển bền vững Đức Lân tìm kiếm, liên kết tìm hướng tiêu thụ bền vững.
Rừng trồng gỗ lớn tại xã Đức Lân (Mộ Đức) đang được thành viên HTX Lâm nghiệp phát triển bền vững Đức Lân tìm kiếm, liên kết tìm hướng tiêu thụ bền vững.
“Giá cả thị trường thường xuyên biến động, đầu ra của gỗ thường bị doanh nghiệp ép giá; đồng thời, yêu cầu của thị trường về chất lượng sản phẩm gỗ rừng trồng ngày càng khắt khe. Do đó, chúng tôi xác định phải thành lập một tổ chức đủ tư cách pháp nhân để liên kết giữa các chủ rừng, giữa các chủ rừng với đơn vị có nhu cầu thu mua gỗ, nhằm đảm bảo đầu ra cho gỗ rừng trồng, phát triển sản xuất bền vững, mang lại thu nhập tương xứng cho từng hộ”, Giám đốc HTX Lâm nghiệp phát triển bền vững Đức Lân Nguyễn Văn Đình cho biết.
 
Vừa thành lập cách đây chưa lâu, nhưng HTX đã bước đầu liên kết được với Viện Nghiên cứu Lâm sinh (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) để hợp tác xây dựng vườn ươm và sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng phục vụ cho hoạt động trồng rừng. Thời gian đến, bên cạnh việc tham gia phát triển 470ha rừng đạt tiêu chí phát triển rừng bền vững (FSC), HTX sẽ tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất các sản phẩm dưới tán rừng như, mật ong, nhân sâm, nhằm tạo thêm thu nhập cho các thành viên...  
 
Theo ông Nguyễn Văn Đình, đây là HTX lâm nghiệp đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh nên còn rất nhiều điều cần học hỏi, tìm hiểu và cần được hỗ trợ như, tìm kiếm doanh nghiệp uy tín để thu mua, sơ chế gỗ; cách thức thực hiện dịch vụ bảo hiểm rừng trồng, để các thành viên an tâm phát triển cây gỗ lớn...
 
Giải quyết bài toán sản xuất manh mún
 
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, mặc dù tổng diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh là 130.000ha, nhưng hầu hết đều thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân, quy mô nhỏ với diện tích dưới 5ha. Hoạt động trồng rừng nhỏ lẻ, manh mún không chỉ khiến thu nhập của người trồng rừng chưa tương xứng với tiềm năng, mà còn khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu để chế biến.
 
Bởi lẽ, hầu hết các hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh đều đang tập trung trồng rừng gỗ nhỏ, phục vụ nguyên liệu chế biến dăm gỗ, chứ chưa gắn kết, tập trung vào lĩnh vực trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến các sản phẩm gỗ theo chiều sâu. Hiện tại, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt các tiêu chí về phát triển bền vững chỉ khoảng 3.000ha, chiếm chưa tới 2,5% tổng diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh.
 
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: Để khắc phục tình trạng trồng và phát triển rừng sản xuất theo hướng manh mún, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các địa phương thành lập HTX lâm nghiệp gắn với sản xuất sản phẩm rừng gỗ lớn. Đây chính là cơ sở để phát triển kinh tế rừng nói chung và mở rộng diện tích rừng gỗ lớn đạt chuẩn FSC trên địa bàn. Việc thành lập và phát triển mô hình HTX này không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn thông qua các dịch vụ hỗ trợ từ HTX, mà còn giúp bảo vệ môi trường, nâng cao độ che phủ rừng...
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 

.