Nỗ lực tăng độ che phủ rừng

08:12, 11/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để đạt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh là 52% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để gia tăng độ che phủ rừng.
Khuyến khích trồng rừng gỗ lớn
 
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh là 334.278ha, trong đó có hàng trăm hécta rừng trồng, chủ yếu là cây keo. Diện tích này đa số phân tán nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình, nên khi cây keo được từ 4 - 5 năm tuổi là người dân chặt bán.
 
Tuy nhiên, do thị trường của mặt hàng dăm gỗ chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nên không ổn định. Khi phía Trung Quốc hạn chế hoặc ngừng nhập khẩu, giá gỗ rừng trồng cũng biến đổi theo. Có thời điểm giá xuống thấp, nhiều hộ thua lỗ. 
 
Trồng rừng gỗ lớn sẽ góp phần tăng độ che phủ rừng.
Trồng rừng gỗ lớn sẽ góp phần tăng độ che phủ rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: Do truyền thống của người dân từ trước đến nay sản xuất rừng theo quy mô hộ gia đình, nguồn vốn ít, nên sau khi bỏ một khoản tiền để đầu tư, họ muốn nhanh chóng thu lợi, hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính, nên người trồng rừng chấp nhận bán gỗ non, hiệu quả thu được từ rừng thấp.
 
Xuất phát từ thực tế trên, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án chuyển 507ha rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, trong hai năm 2019- 2020, trên địa bàn các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ, Mộ Đức, Trà Bồng, Bình Sơn... với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ độ che phủ rừng sẽ đạt 52% theo kế hoạch.
 
Theo dự án, những hộ tham gia trồng rừng gỗ lớn sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh chuyển hóa rừng 5 triệu đồng/ha, hỗ trợ tiền bảo vệ rừng 300 nghìn đồng/ha/năm trong thời kỳ chuyển hóa. Chủ rừng được vay bình quân 15 triệu đồng/ha với lãi vay bình quân 10%/năm, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất 8,8%/năm, chủ rừng chịu lãi suất 1,2%/năm.
 
Nhận thấy được hiệu quả từ trồng rừng gỗ lớn, những năm gần đây, số hộ tham gia trồng rừng gỗ lớn cũng đã ngày một tăng lên. Hiện diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng (FSC) trên địa bàn đạt khoảng trên 2.900ha, đều của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ.
 
Tăng cường bảo vệ rừng
 
Năm 2019 là năm khó khăn đối với ngành lâm nghiệp, bởi thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, xảy ra 61 vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhiều diện tích rừng trồng keo, bạch đàn, phi lao chết đứng không có khả năng phục hồi do nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, phá rừng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất, xâm canh tại các vùng giáp ranh vẫn còn diễn ra...
 
Theo ông Nguyễn Đại, để gia tăng độ che phủ rừng, trước hết phải bảo đảm diện tích rừng phòng hộ; chống việc phá rừng để lấy đất làm nương rẫy, hoặc gây cháy rừng. Đối với các diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, phải bảo đảm trồng rừng thay thế theo quy định; việc khai thác rừng; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các dự án trồng rừng; khoanh nuôi, tái sinh phục hồi rừng; phát động phong trào trồng cây phân tán, cây bóng mát trong toàn xã hội...
 
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm các địa phương tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai Chỉ thị số 13 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó khẳng định công tác bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan tổ chức ở địa phương. Đồng thời, tham mưu thực hiện tốt việc lồng ghép các dự án; chương trình tạo việc làm, góp phần giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, gắn với công tác bảo vệ rừng...
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.