Quản lý, giám sát hoạt động tàu cá: Còn nhiều bất cập

10:06, 21/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngư dân chưa chấp hành tốt việc ghi nhật ký khai thác, vận hành thiết bị giám sát hành trình (GSHT); tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm vẫn hoạt động; kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá còn lỏng lẻo... Đó là những bất cập cần được chấn chỉnh, xử lý.
Thời gian qua, ngư dân phản ánh có tình trạng tàu cá không cập vào một trong 4 cảng chỉ định là: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi); Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ), nhưng chủ tàu vẫn được cơ quan chức năng cấp giấy biên nhận, được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48. 
 
Hiện nay, không ít tàu hành nghề lưới kéo và lưới chụp tắt thiết bị giám sát hành trình để tránh sự theo dõi, giám sát của lực lượng chức năng.
Hiện nay, không ít tàu hành nghề lưới kéo và lưới chụp tắt thiết bị giám sát hành trình để tránh sự theo dõi, giám sát của lực lượng chức năng.
Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn lý giải: Trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, để phòng, chống dịch Covid-19, có một tàu cá của ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) cập cảng. Nếu thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16, tàu cá phải cập tại cảng Sa Kỳ, nhưng đây không phải cảng chỉ định. “Vấn đề này, Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh đã xin ý kiến chỉ đạo, cấp trên đồng ý cho tàu cập tại cảng Sa Kỳ, nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây là trường hợp ngoại lệ, chứ không phải lỏng lẻo trong việc cấp giấy biên nhận cho tàu cá”, ông Sơn khẳng định. 
 
Ngoài ra, theo quy định, các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT khi đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu lắp đặt thiết bị GSHT chỉ để được xuất, nhập cảng, còn quá trình hoạt động thì tắt, nhất là các tàu hành nghề lưới kéo và lưới chụp. Phần lớn các tàu này đều có công suất lớn, nên phải hoạt động xa bờ. Thế nhưng, đối tượng khai thác xa bờ của tàu lưới chụp là mực xà, loài hải sản có giá trị kinh tế thấp (chỉ bằng khoảng 1/4 so với các loại mực cơm, mực nang, mực ống hoạt động ở tuyến lộng và ven bờ), nên nhiều chủ tàu lén lút hoạt động ở khu vực tuyến lộng. 
 
Để tránh sự theo dõi, giám sát của ngành chức năng, chủ tàu đã tắt thiết bị GSHT và hoạt động vào ban đêm. Mặc dù đã có 31 trường hợp chủ tàu bị ngành chức năng phát hiện, xử lý vì tắt thiết bị GSHT và hàng trăm trường hợp chưa chấp hành các quy định trong quá trình hoạt động khai thác hải sản, nhưng tình trạng này hiện vẫn tái diễn, gây khó khăn trong công tác quản lý, cũng như làm giảm hiệu quả của chương trình thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu về gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
 
“Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở ngư dân, các đơn vị chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, nếu phát hiện tàu cá chưa có thiết bị GSHT, hoặc tắt tín hiệu thiết bị GSHT thì xử lý nghiêm theo quy định. Kiên quyết không xuê xoa, không giơ cao đánh khẽ”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính chỉ đạo. Theo quy định, đối với trường hợp không có thiết bị GSHT, chủ tàu cá sẽ bị phạt từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; trường hợp tắt tín hiệu GSHT sẽ bị phạt từ 20 - 500 triệu đồng.
 
Khó thực hiện quy định chức danh tàu cá
 
Để được xuất bến, nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải đáp ứng các yêu cầu về chức danh thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy và thuyền viên. Trong đó, thuyền trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng I, thuyền phó phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng phải có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng I, thợ máy phải có chứng chỉ thợ máy tàu cá. Tuy nhiên, phần lớn các tàu cá chưa đáp ứng được quy định này.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 
 

.