Giá kén tăng mạnh, người nuôi tằm phấn khởi

09:05, 20/05/2020
.
(Baoquangngai.vn)-  Những ngày này, người dân ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, "thủ phủ vùng dâu" của huyện Nghĩa Hành đang bận rộn chăn lứa tằm hè thu. Vụ này, tằm ít dịch bệnh, giá kén hiện đang tăng mạnh nên khiến người dân vô cùng phấn khởi.
Đến thời điểm hiện tại, giá thu mua kén tằm tăng mạnh và đang ở mức khoảng 170 nghìn đồng/kg, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước cũng như giá lứa ở đầu vụ. Hiện bà con ở đây tiêu thụ được khoảng hơn 6 tạ, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/lứa. Hầu hết số kén trên đều được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua và tiêu thụ. 
 
Ông Võ Duy Chánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân cho rằng giá kén tại địa phương đang tăng mạnh là nhờ sau khi UBND huyện, xã Hành Nhân và Công ty KH&CN Nông Tín thực hiện đề án Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng dâu nuôi tằm truyền thống trên địa bàn xã với diện tịch gần 8ha, có sự tham gia của 16 hộ nuôi. Trên cơ sở đó, người nuôi được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, cùng việc đưa tằm lên né gỗ ô vuông đã giúp người dân giảm công lao động đáng kể, cũng như chất lượng kén tằm đạt hiệu quả hơn. 
 
Video người nuôi tằm ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) thực hiện đưa tằm lên né gỗ ô vuông
 
 
 
Gia đình ông Nguyễn Tấn Thảo (63 tuổi), ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân là 1 trong 16 hộ hộ tham gia đề án. Cách đây hơn nửa tháng, ông đã nhận được hỗ trợ 50 né gỗ; một bàn gỡ kén và 4 giá treo. Kết quả, sau lứa tằm đầu tiên áp dụng kỹ thuật ươm kén mới cho hiệu quả bước đầu rõ rệt. Niềm vui của người trồng dâu nuôi tằm như ông được nhân đôi vì kén đạt chất lượng  lại được giá. 
 
"Năm ngoài, giá kén cao nhất chỉ đạt 120 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay tăng thêm 50 nghìn đồng/kg.  Sau khi trừ chi phí, mỗi lữa tằm tôi có được một nguồn lãi khá. Hơn nữa, về lâu dài được các doanh nghiệp hỗ trợ giống, kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất", ông Thảo cho biết.
 
Cũng thực hiện kỹ thuật đưa tằm lên né gỗ ô vuông cho hơn 50 nong tằm của gia đình, ông Võ Văn Hoàng, cho biết: "Có làm né gỗ mới thấy nghề trồng dâu nuôi tằm nó nhàn hơn. Trước kia, làm né tre, tỷ lệ kén đôi, kén ba nhiều hơn; nếu một con hỏng là phải bỏ hết, nhưng né gỗ mỗi con một ô thì có hỏng cũng lấy ra dễ dàng. Hơn nữa, mỗi con tằm kén trong một ô nên nên lượng phân, nước tiểu đều được thải khỏi kén, không dính vào kén nhau. Chính vì vậy, chất lượng kén tằm cao hơn, tằm “lên tơ” đều và trắng muốt.
 
 
Kỹ thuật đưa tằm lên né gỗ ô vuông được người nuôi tằm ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên thực hiện bước đầu cho hiệu quả và chất lượng tốt hơn so với né tre truyền thống.
Kỹ thuật đưa tằm lên né gỗ ô vuông cho hiệu quả và chất lượng tốt hơn so với né tre truyền thống.
 
 
So với né tre, nhà ông Hoàng làm suốt hơn 10 năm qua thì né gỗ ô vuông ưu điểm vượt trội. Trước hết là dễ làm hơn, không phải cắm né nên thời gian cũng rút ngắn, lúc rút kén cũng chỉ cần khoảng 5 phút đã xong một né chứ né tre phải mất 20 phút trở lên. Đặc biêt, với cách làm này thì kén không bị ẩm vì mỗi con tằm nằm trong một kén", ông Hoàng cho biết thêm.
 
Thực tế, việc chuyển đổi sang cách làm mới này lúc đầu người dân cũng có những bỡ ngỡ và nghi ngại về chất lượng lượng kén tằm. Bởi lẽ, "thủ phủ" của nghề trồng dâu nuôi tằm ở Nghĩa Hành là Hành Nhân lúc bấy giờ chỉ còn những người già, họ là đã có thâm niên lâu năm trong nghề và dày dặn kinh nghiệm nên rất khó để thay đổi cách sản xuất, nuôi trồng truyền thống. Tuy nhiên, sự tiện lợi và hiệu quả của việc đưa tằm lên né gỗ ô vuông đã phần nào giúp họ thay đổi tập quán nuôi cũ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm kén tằm của địa phương.
 
Hiện, nhiều hộ nuôi đang  tính đến phương án tự đầu tư chi phí để mua né gỗ và mở rộng diện tích trồng dâu. Một né gỗ hiện nay có mức giá khoảng 200-250 nghìn đồng, sử dụng trong vòng thời gian 5 năm. Tuy nhiên, sự thay đổi của một phương pháp mới tạo hiệu quả trên nhiều mặt cũng như từng bước tạo sự thay đổi đồng bộ của một chu trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập của nghề trồng dâu nuôi tằm.
 
Phó Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu, cho biết:  “Với những chuyển biến tích cực mà cây dâu mang lại ở “thủ phủ” nghề trồng dâu nuôi tằm của xã Hành Nhân như hiện nay, có thể thấy việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất của nghề trồng dâu nuôi tằm đầu tiên ở xã Hành Nhân là điều đáng mừng, vừa giúp tăng thêm thu nhập cho người dân vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa của làng nghề. Điều này, góp phần từng bước khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm còn duy trì tại một số vùng trọng điểm của huyện Nghĩa Hành và cả tỉnh nói chung". 
 
Giá kén tằm tăng mạnh được xem là tín hiệu vui đối với người trồng dâu nuôi tằm ở xã Hành Nhân cũng như các vùng trồng dâu nuôi tằm trọng điểm của tỉnh. Bởi, liên tiếp nhiều năm quá, giá kén tằm giảm, người làm nghề trồng dâu nuôi tằm gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều hộ đã "quay lưng" với cây dâu, chuyển sang ngành nghề khác, có thu nhập cao hơn. Để "cứu" làng nghề, việc chính quyền huyện Nghĩa Hành và xã Hành Nhân nỗ lực xây dựng hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ người trồng dâu nuôi tằm, nhất là việc liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con là cần thiết. 
 
Bài, ảnh: T.TIÊN
 

.