Triển vọng từ cây chè dây

07:04, 06/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chè dây là một loại cây rừng thường được đồng bào vùng cao hái về để pha nước uống nhằm chữa các bệnh liên quan đến đường ruột. Thời gian qua, loại chè dây thu hái tự nhiên ở huyện miền núi Sơn Tây không chỉ được người dân trong tỉnh ưa chuộng, mà nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác cũng đặt mua.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây) cho hay: Cách đây vài năm, trong một dịp đến huyện Ngọc Tem (Kon Tum), tôi được người dân ở đây mời uống nước chè có vị dịu ngọt. Người dân địa phương bảo đó là cây chè dây mọc tự nhiên trong rừng.
 
Sau khi tìm hiểu về tác dụng của loại cây này, tôi đã đặt đồng bào vào rừng hái chè dây tươi về để phân loại, sơ chế, rồi cắt khúc, phơi khô. Từ đó, công việc hái chè dây đã góp phần tạo thêm việc làm cho đồng bào vùng cao, mang lại thu nhập cho người dân. 
 
Sau khi thu mua chè tươi, sơ chế, xắt khúc, rồi phơi khô, chè dây có giá bán từ 60.000 - 80.000 đồng/kg.
Sau khi thu mua chè tươi, sơ chế, xắt khúc, rồi phơi khô, chè dây có giá bán từ 60.000 - 80.000 đồng/kg.
 
Chè dây có nhiều tác dụng cho sức khỏe như cải thiện tình trạng đau dạ dày, có tính kháng khuẩn, nên giúp nâng cao sức khỏe. Để sử dụng chè dây, người dân thường pha với nước sôi dùng để uống như nước trà. Chè dây có vị ngọt dịu, thơm nhẹ nên dễ uống.
 
Theo đồng bào Ca Dong ở xã Sơn Long thì không phải ai cũng rành về các loại cây rừng, nên để thu hái tự nhiên loại chè dây phải là người am hiểu để tránh hái nhầm các loại lá cây khác. Mỗi lần đi hái chè dây, thông thường người dân hái từ 70 - 100 kg chè trong vòng hai ngày, chia ra thành nhiều bó, rồi mang về bán lại cho đại lý thu mua với giá 5.000 đồng/kg, hoặc tùy theo nhu cầu của khách hàng, đại lý thu mua sẽ đặt hàng đồng bào đi rừng hái về.
 
Ngoài việc bán sản phẩm tại cửa hàng, thì chị Nga còn giới thiệu chè dây thu hái tự nhiên ở vùng rừng núi Sơn Tây. Không chỉ người dân trong tỉnh mua dùng, mà khách hàng ở nhiều nơi như Lào Cai, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh cũng đặt mua. “Ngoài lá thì cây chè dây sử dụng được tất cả cành, thân, gốc. Trung bình 5 ký chè dây tươi sau khi phơi phô còn 1 ký, có giá bán lẻ 80.000 đồng/kg, giá sỉ thì 60.000 đồng/kg”, chị Nga cho biết.
 
Hiện nay, để có nguồn nguyên liệu, nhiều địa phương trong cả nước đã nhân giống bằng cách trồng chè dây. Sau đó liên kết với các cơ sở thu mua chè dây để chế biến thành các sản phẩm trà đóng gói, hộp có bao bì, nhãn hiệu giới thiệu về tác dụng, nguồn gốc sản phẩm.
 
Theo đánh giá của một số người, chè dây Sơn Tây có vị thơm ngon hơn chè dây tại các nơi khác. Vừa qua, xã Sơn Long đã đề xuất cây chè dây trong danh mục lựa chọn các sản phẩm trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Nếu được lựa chọn và có định hướng phát triển, bảo tồn nguồn giống, cây chè dây sẽ góp phần mang lại nguồn thu nhập cho đồng bào vùng cao.
 
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO
 
 
 

.