(Báo Quảng Ngãi)- Từng trồng nhiều cây công nghiệp, sau khi "sàng lọc", người dân ở thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh (Bình Sơn) nhận thấy cây chè - một loại cây truyền thống của địa phương mới là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế nhất. Do đó, họ quyết tâm giữ vững cây trồng truyền thống này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nức tiếng một thời
Từ lâu, cây chè Lộc Thanh, xã Bình Minh nổi tiếng với hương thơm đậm đà, được nhiều người biết đến. Những năm sau giải phóng, vùng đất Lộc Thanh được phủ một màu xanh mướt của cây chè. Ông Nguyễn Văn Bảy (80 tuổi), là người hiểu rõ hơn ai hết về giá trị của cây chè quê mình, cũng như đã chứng kiến sự “quay lưng” của người dân với cây trồng truyền thống này. Ông Bảy cho hay: “Cây chè ở đây không giống như chè các vùng khác, lá của nó nhỏ, dày, khi uống có vị chát rất đặc trưng. Những năm 1990 - 2000, cây chè được nhiều người biết đến và tiểu thương khắp nơi tìm về đây mua”.
Người dân thôn Lộc Thanh, xã Bình Minh (Bình Sơn) thu hoạch chè. |
Với rất nhiều người dân ở thôn Lộc Thanh, cây chè gần như gắn bó với họ từ xưa đến giờ. Nhờ cây chè mà nhiều gia đình có thu nhập đều đặn, vì thế đời sống ổn định. “Hồi đó, diện tích chè của thôn lên đến gần 80ha và hầu như gia đình nào ở đây cũng trồng chè. Hộ ít thì đôi sào, có hộ trồng lên đến vài hécta, ngày nào cũng cho thu hoạch, thương lái ra vô liên tục. Những năm đó, các xã phía đông của huyện như Bình Trị, Bình Đông, Bình Thạnh... rất thích uống chè ở đây, nên có bao nhiêu là thương lái mua hết bấy nhiêu”, Trưởng thôn Lộc Thanh Nguyễn Văn Tài cho biết.
Giữ vững cây chè truyền thống
Ở thôn Lộc Thanh, nói đến hộ trồng chè nhiều nhất phải kể đến anh Nguyễn Trung Đông. Với 15.000m2 chè, vợ chồng anh có thu nhập ổn định. Anh Đông chia sẻ: “Đây là cả gia tài mà từ đời ông, bà tôi để lại. Một thời, khi nhiều hộ dân khác phá cây chè để trồng cao su, keo, nhưng ba, mẹ tôi nhất quyết giữ lại. Có vậy mà giờ đây, vợ chồng tôi hầu như ngày nào cũng thu hoạch bán cho thương lái. Với bấy nhiêu diện tích, mình thu hoạch kiểu xoay vòng, nên bình quân một ngày thu nhập từ 300- 400 nghìn đồng”.
Theo người dân thôn Lộc Thanh, chừng hai năm trở lại đây, khi các cây công nghiệp khác không thể trụ vững và không còn giá trị kinh tế ở mảnh đất này, thì họ mới nhận ra giá trị mà cây chè mang lại. Ông Đặng Văn Toàn, thôn Lộc Thanh, cho biết: “Một ngày mình bỏ công đi hái chè, cũng có thu nhập từ 100 - 200 nghìn đồng. Đã vậy, cây chè ít tốn công chăm sóc, phân bón và cũng hiếm khi bị sâu bệnh, nên thấy hiệu quả rõ rệt. Giờ chúng tôi sẽ tăng diện tích, bằng cách dùng hạt chè khô rồi ươm mầm để trồng cây mới. Hy vọng, cây chè sẽ giúp chúng tôi ổn định kinh tế”.
Hiện nay, tổng diện tích chè xanh ở Lộc Thanh còn khoảng 20ha. Xét thấy cây chè truyền thống mang lại giá trị kinh tế và ổn định theo thời gian, nên chính quyền xã Bình Minh đã đưa loại cây này vào đề án Mỗi xã một sản phẩm và khuyến khích người dân tăng diện tích. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh Phạm Quang Đức cho hay: “Sau quá trình triển khai nhiều mô hình, nhiều loại cây trồng, cây chè bản địa vẫn ổn định hơn cả. Vì thế, chúng tôi quyết định chọn cây chè để quảng bá trong thời gian tới. Điều này không chỉ giúp ổn định thu nhập cho người dân, mà còn là cách để lấy lại thương hiệu của cây chè đã tồn tại từ rất lâu đời ở Lộc Thanh”.
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT