Tìm hướng chăn nuôi thời dịch bệnh

09:04, 22/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch tả heo Châu Phi (ASF) bùng phát, gây thiệt hại nặng nề, nhiều hộ phải chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, hoặc phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn...
Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi
 
“Giá heo thịt cao, nhưng giá heo giống còn cao hơn. Nhất là bệnh dịch tả heo Châu Phi vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị, nên tôi rất lo dịch tái phát”, ông Nguyễn Văn Thơm, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) lý giải. Chính vì vậy, thay vì tiếp tục chăn nuôi heo thịt và heo nái như trước, ông Thơm tập trung đầu tư nuôi 500 con vịt Đại Xuyên. Thời gian nuôi chỉ từ 50 - 60 ngày, nhưng trọng lượng trung bình của vịt đã đạt 2,8 - 3 kg/con. Với giá bán hiện dao động từ 50 - 55 nghìn đồng/kg, ông Thơm lãi khoảng 20 - 25 nghìn đồng/con.  
 
Việc chuyển đổi từ nuôi heo sang gia cầm là giải pháp để hạn chế dịch ASF tái phát, nhưng ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần phát triển đàn gia cầm theo hướng an toàn, ổn định.
Việc chuyển đổi từ nuôi heo sang gia cầm là giải pháp để hạn chế dịch ASF tái phát, nhưng ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần phát triển đàn gia cầm theo hướng an toàn, ổn định.
Còn hộ bà Trần Thị Thúy, ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), cũng đang tích cực chăm sóc hơn 200 con gà thả vườn sắp đến kỳ xuất bán. Trước đây, bà Thúy đầu tư chăn nuôi heo, với quy mô 10 con nái. Nhưng do ảnh hưởng của dịch ASF, nên bà Thúy chuyển sang nuôi gà. 
 
Ban đầu, việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi là cách để người nuôi heo “né” dịch ASF, nên nhiều hộ cũng gặp khó khăn. Bà Thúy chia sẻ: “Lần đầu nuôi gà số lượng lớn, nên tôi cũng lúng túng trong việc lựa chọn con giống, quy trình chăm sóc và các giai đoạn cần tiêm vắc xin... Nhưng nhờ sự hỗ trợ của cán bộ thú y, nên tôi đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu thành công, với tỷ lệ gà sống đạt 95%, giá bán cũng ổn định và việc tiêu thụ chủ động hơn”.
 
Với ông Thơm, dù đã tham gia mô hình nuôi vịt Đại Xuyên do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, nhưng khi tự mình đầu tư thì vẫn băn khoăn. “Trước đây làm theo mô hình, giờ tự mình đầu tư nuôi quy mô lớn, nên tôi cũng lo. Nhưng quy trình chăn nuôi vịt không khó, cộng với các loại bệnh trên vịt đều đã có vắc xin phòng bệnh, nên mình cũng yên tâm hơn”, ông Thơm bộc bạch.
 
Quyết liệt kiểm soát tái đàn
 
Việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để duy trì sản xuất tại các gia trại, trang trại sau dịch ASF sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tạo nguồn thu tạm thời cho các hộ chăn nuôi; đồng thời, giúp ổn định nguồn cung thực phẩm do thiếu hụt thịt heo. Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần phát triển đàn gia cầm theo hướng an toàn sinh học, để phòng trừ dịch bệnh, cũng như theo dõi và nắm bắt thị trường, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định.
 
Với chăn nuôi heo, dù dịch ASF đã được khống chế và hiện đã qua 4 tháng không phát sinh ổ dịch bệnh mới, cộng với giá heo hơi liên tục tăng, nên hiện nay, nhiều hộ đã và đang rục rịch triển khai thực hiện tái đàn. Nhưng dịch ASF vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nên ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương khuyến cáo việc tái đàn chỉ thực hiện đối với các đơn vị chăn nuôi gia công, trại chăn nuôi heo tập trung theo hình thức trại kín và đảm bảo an toàn sinh học.
 
“Ngay lúc này, việc tái đàn cần phải được thực hiện từng bước và tính toán cẩn thận, ban đầu nuôi thử vài con rồi lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, trong đó có bệnh ASF. Khi bảo đảm đàn heo đang nuôi không bị dịch bệnh, thì mới tái đàn với số lượng lớn”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ngô Hữu Hạ khuyến cáo.
 
Ngoài ra, các địa phương cũng căn cứ vào thế mạnh từng vùng, để khuyến khích người dân lựa chọn đối tượng vật nuôi phù hợp, đảm bảo tính đa dạng, nhằm tránh tình trạng dư thừa cục bộ...
Giá thịt heo liên tục tăng
 
Giá heo hơi hiện đã lập đỉnh mới (khu vực miền Trung) với mức 88  -  90 nghìn đồng/kg, kéo theo giá thịt heo bán tại các chợ dân sinh cũng tăng mạnh. Cụ thể: Thịt ba chỉ, sườn non: 180 nghìn đồng/kg, nạc vai: 165.000 đồng/kg, nạc mông: 160.000 đồng/kg, giò trước: 120 nghìn đồng/kg...
 
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 

.