(Baoquangngai.vn)-
Sachi là loại cây trồng mới, lần đầu tiên được huyện Ba Tơ đưa vào trồng thử nghiệm. Với đặc tính dễ thích nghi, ít sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế, loài cây được mệnh danh “vua của các loại hạt” này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Sacha Inchi hay còn có tên là Inca Inchi, Penut Inca…, có nguồn gốc từ Nam Mỹ thuộc họ thầu dầu. Đây là cây thân bò, thích hợp gieo trồng nơi khí hậu nhiệt đới và có thể sinh trưởng phát triển ở nhiều loại đất khác nhau. Khi đưa giống cây này về Việt Nam để dễ nhớ các nhà khoa học đặt tên cây là Sachi.
Sachi được coi là loại cây đa công dụng, tất cả các bộ phận của cây từ hạt, thân, lá, rễ đều được sử dụng để chế biến nhiều loại thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm khác nhau. Đặc biệt, cây Sachi trồng 1 lần cho thu hoạch tới 20 năm.
Sau khi nghiên cứu, tháng 11.2019, Hợp tác xã Nông - Lâm - Thủy sản Trường An đã trồng thử nghiệm 2,7 ha cây Sachi tại xã Ba Động (Ba Tơ).
Dù mới thử nghiệm nhưng cây Sachi được đánh giá là phù hợp với khí hậu, đất đai vùng đồi núi nên cây sinh trưởng phát triển tốt. Hiện nay, diện tích Sachi này đang cho thu hoạch, với giá bán dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg hạt khô và từ 50.000 - 60.000 đồng/kg quả tươi.
Theo tính toán, trong năm đầu thu hoạch, chỉ với 1 ha, cây Sachi cho thu hoạch 1.000kg, với giá bán thấp nhất 50.000 đồng/kg quả tươi, người trồng có doanh thu 50 triệu đồng và doanh thu này tăng dần trong những năm kế tiếp. Cụ thể, từ năm thứ ba trở đi, lợi nhuận tăng lên ổn định với mức lãi khoảng 150 triệu đồng/ha. Như vậy, so với cây keo, cây sắn thì lợi nhuận từ cây sachi cao hơn gấp nhiều lần.
Anh Lê Lâm, thành viên Hợp tác xã Nông- Lâm- Thủy sản Trường An cho biết, Sachi là cây trồng mới đối với bà con chúng tôi, nên khi chăm sóc cây chúng tôi phải tuân thủ sự hướng dẫn kỹ thuật của phía Công ty cung cấp cây giống và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Tơ. Cây trồng này ít bệnh, dễ sống, nhưng lại đòi hỏi phải tưới nước thường xuyên. Đến nay, cây đã cho thu hoạch cả quả và lá, nên chúng tôi rất vui mừng.
“Vì là cây mới trồng, cây đang cho thu hoạch quả bói, nên lần đầu chỉ thu được khoảng 100kg quả khô. Về phần lá thì đến nay, chúng tôi chỉ mới thu hoạch được một ít để cho heo ăn chứ chưa xuất bán cho đơn vị thu mua”- anh Lâm nói.
Cây Sachi ở Ba Tơ đã bắt đầu cho thu hoạch |
Tương tự, vườn Sachi với diện tích 1ha của của Hợp tác xã Nông- Lâm nghiệp Dịch vụ Ba Tiêu (Ba Tơ) cũng đang phát triển xanh tốt, đã đơm hoa, kết trái và sắp cho thu hoạch.
Chị Huỳnh Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Nông- Lâm nghiệp Dịch vụ Ba Tiêu, cho hay, chị đã biết đến hiệu quả của cây Sachi từ lâu, nên đầu năm 2019, khi được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chị mạnh dạn trồng thử nghiệm 1ha.
Tuy nhiên, năm 2019, trên địa bàn huyện Ba Tơ xảy ra nắng nóng, hạn hán nên thiếu nước tưới, gần như diện tích Sachi đều bị chết. Đến tháng 11.2019, chị tiếp tục nhận giống trồng lại, đến nay cây sinh trưởng, phát triển tốt, sắp cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Mô hình trồng thí điểm cây Sachi thuộc Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Tơ. Tổng vốn đầu tư cho mô hình là 1,7 tỷ đồng, triển khai tại xã Ba Động, Ba Tiêu và Ba Tô với 18 hộ dân tham gia, trên phần diện tích 12,5ha. Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín là đơn vị cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Ông Phan Công Đức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Tơ chia sẻ, trước khi thực hiện mô hình, ngoài việc ký kết hợp đồng cung cấp cây giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín, đơn vị còn mua bảo hiểm cho quả Sachi với mức giá 30.000 đồng/kg.
Từ hạt, thân, lá, rễ Sachi đều được sử dụng để chế biến nhiều loại thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm khác nhau |
Nếu giá thị trường cao hơn 30.000 đồng/kg thì họ phải mua theo giá thị trường, còn nếu giá thấp hơn thì phía công ty vẫn phải mua với giá là 30.000 đồng/kg. Do đó, người tham gia trồng loại cây này rất an tâm về đầu ra sản phẩm.
"Trước mắt Trung tâm chưa mở rộng diện tích cây Sachi trên diện rộng, nhưng sẽ hướng dẫn người dân trồng mỗi gia đình vài chục cây dọc theo hàng rào vườn nhà để thuận lợi cho việc chăm sóc và góp phần tăng thu nhập thường xuyên cho bà con'- ông Đức cho biết thêm.
Còn quá sớm để khẳng định hiệu quả mô hình cây Sachi trên huyện miền núi Ba Tơ nhưng rõ ràng, từ những kết quả bước đầu mà mô hình trên mang lại cho thấy nỗ lực của địa phương trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi nhằm mở ra một hướng phát triển kinh tế cho người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
PV- CTV