(Báo Quảng Ngãi)- Thiếu lao động, thu nhập lại bấp bênh, nên việc triển khai thực hiện quy định về các chức danh và định biên an toàn tối thiểu thuyền viên trên tàu cá hoạt động xa bờ gặp nhiều khó khăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quy định chặt chẽ...
Theo quy định, đối với tàu thuyền có chiều dài từ 6 -12m, công suất nhỏ, hoạt động ven bờ, ngoài chức danh thuyền trưởng tàu cá hạng 3, chủ phương tiện phải có thêm 1 thủy thủ. Theo ngư dân, điều này là rất khó thực hiện. “Tàu nhỏ, hoạt động ven bờ, thu nhập chẳng đáng là bao, chủ yếu là lấy công làm lời, làm gì có tiền để thuê thêm thuyền viên. Mà nếu có thuê, cũng không ai muốn làm cho những tàu nhỏ như tôi, vì thu nhập thấp”, ông Nguyễn Ba, xã Bình Trị (Bình Sơn) cho biết.
Một số chủ tàu chưa chấp hành quy định về các chức danh và định biên an toàn tối thiểu thuyền viên trên tàu cá. |
Trong khi đó, ngư dân có tàu to máy lớn (từ 15m đến dưới 24m) cũng điêu đứng, vì muốn được cấp giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên và tàu cá trước khi ra khơi, theo quy định ngoài thủy thủ, thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá hạng 2, trên tàu còn phải có thêm thợ máy. Riêng những tàu cá có chiều dài thân tàu từ 24m trở lên, điều kiện xuất bến là trên tàu phải có thuyền trưởng tàu cá hạng 1, thuyền phó hạng 1, máy trưởng hạng 1, thợ máy tàu cá, thủy thủ.
Nhiều ngư dân cho rằng, yêu cầu thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá các hạng 1, 2 là phù hợp, nhưng thợ máy thì cần xem xét lại. “Để có thợ máy, chủ tàu phải lo kinh phí để bạn tàu đi học. Song, nghề biển đang gặp khó, làm ăn bấp bênh, nên không phải bạn biển nào cũng gắn bó với mình. Nhỡ sau khi có chứng nhận thợ máy, bạn biển “nhảy” tàu, thì chúng tôi biết làm sao”, ngư dân Phạm Sách, xã Bình Châu (Bình Sơn) đặt vấn đề.
Tuy nhiên, theo quy định, nếu không có thợ máy, tàu cá không được phép xuất bến, cũng như không được gia hạn giấy phép khai thác thủy sản. Thậm chí, khi xảy ra rủi ro, các đơn vị bảo hiểm cũng không thực hiện việc chi trả đền bù, nếu tàu cá thiếu một trong các chức danh và định biên an toàn tối thiểu thuyền viên. Điều này khiến nhiều ngư dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
“Máy trưởng, thuyền trưởng trên tàu cá cũng vận hành, quản lý và sửa chữa được các loại máy móc, phương tiện, thiết bị trên tàu. Vì vậy, theo tôi, không cần thiết phải có thêm thợ máy, để giảm áp lực chi phí cho ngư dân”, ông Sách đề xuất.
... nhưng khó triển khai
Quy định các chức danh và định biên an toàn tối thiểu thuyền viên trên tàu cá đã được cụ thể hóa trong Luật Thủy sản 2017, nhằm thay đổi và nâng cao nhận thức của ngư dân trong quá trình khai thác hải sản, để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, chuyên nghiệp, hướng đến sản xuất bền vững.
Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai thực hiện, không chỉ ngư dân, mà quy định trên cũng khiến ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý nghề cá. Bởi phần lớn ngư dân trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm thực hiện, dù Chi cục Thủy sản tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung, kế hoạch và thời gian mở lớp đào tạo các chứng chỉ, chủ yếu là máy trưởng và thợ máy.
Với chứng chỉ thợ máy, Chi cục Thủy sản tỉnh thường xuyên mở lớp đào tạo vào ngày 15 hằng tháng. Còn chứng chỉ máy trưởng, thời gian và chi phí đào tạo cao, nên phải đợi đủ số lượng (30 - 40 học viên/lớp), Chi cục Thủy sản tỉnh mới phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở lớp đào tạo.
Theo Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn, nguyên nhân là do phần lớn ngư dân vẫn còn tư tưởng “có cũng được, không có cũng không sao”. Hơn nữa, vì thời gian bám biển dài ngày, nên học viên không phải là ngư dân, mà chủ yếu là... người nhà, để “hợp thức hóa” các thủ tục vươn khơi.
Để chấn chỉnh tình trạng này, thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, đồng thời tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ, thủ tục xuất bến. Theo đó, sẽ kiên quyết không cho xuất bến những tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, nhưng không có đủ thợ máy và máy trưởng theo quy định.
Bài, ảnh: MỸ HOA