(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu tháng 1 đến nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng (LMLM), làm chết hàng chục con bò. Hiện bệnh LMLM đang lây lan nhanh tại nhiều địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dịch bùng phát mạnh
Trước tết Nguyên đán Canh Tý, đàn bò 16 con của gia đình ông Phan Minh Khánh, ở thôn Liêm Quang, xã Bình Tân (Bình Sơn) đã bị bệnh LMLM. Dù đã tích cực cứu chữa, nhưng dịch bệnh đã làm 3 con bò của gia đình ông bị chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Cán bộ thú y phun thuốc sát trùng tại các chuồng trại chăn nuôi ở xã Bình Dương (Bình Sơn). |
Không chỉ riêng gia đình ông Khánh, mà ở xã Bình Tân đã có 993 con trâu, bò bị mắc bệnh tại 271 hộ chăn nuôi và đã có 35 con chết. Theo thống kê của UBND huyện Bình Sơn, tính đến chiều ngày 7.2, toàn huyện có 1.534 con trâu, bò bị mắc bệnh LMLM, tại 22 xã, với 50 con chết. Trong đó, xã Bình Tân hiện được xem là “tâm dịch” của bệnh LMLM ở trâu, bò trên địa bàn huyện.
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh, ngành chức năng của huyện Bình Sơn đã hướng dẫn cho cán bộ thú y địa phương phun thuốc sát trùng Iodine 10% tại các chuồng trại chăn nuôi, xung quanh khu vực có bò bị dịch bệnh, rải vôi quanh chuồng; bôi thuốc đặc trị và khế chua xung quanh miệng trâu, bò bị bệnh. Bên cạnh đó, huyện Bình Sơn đã ứng và trích ngân sách mua 15.000 liều vắcxin LMLM và 750 lít hóa chất để tiêm phòng cho trâu bò, phun khử trùng chuồng trại chăn nuôi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết: Đến nay, bệnh LMLM đã xuất hiện tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Thực tế, nhiều xã đã có bò bị nhiễm bệnh LMLM trước đó, nhưng người dân không khai báo kịp thời. Hiện nay, bệnh LMLM còn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bệnh lây lan ra diện rộng. Vì vậy, UBND huyện Bình Sơn đề nghị Sở NN&PTNT cho huyện tạm ứng hóa chất khử trùng và vắcxin phòng, chống dịch, nhằm hạn chế dịch lây lan.
Người dân không nên giấu dịch
Theo thông tin phản ánh mà phóng viên ghi nhận được, hiện dịch LMLM ở gia súc đã và đang lây lan khá nhanh ở nhiều địa phương trong tỉnh, chứ không còn tập trung ở hai huyện là Bình Sơn và Đức Phổ. Tuy nhiên, do nhiều nơi giấu dịch, nên công tác khoanh vùng, chống dịch gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân khiến người dân giấu dịch một phần do tâm lý sợ bị thiệt hại khi khai báo gia súc bị bệnh, tự ý chữa trị hoặc bán trâu, bò bị bệnh với giá rẻ để mong lấy lại vốn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ cho biết: Sau mùa đông, thời điểm giao mùa, sức đề kháng của vật nuôi yếu, nên dễ bị dịch bệnh tấn công. Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã xuất 10.000 liều vắc xin cho các địa phương để tiêm phòng bao vây, đồng thời cấp hóa chất để tiêu độc, khử trùng môi trường xung quanh khu vực chuồng trại, nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan.
Sở NN&PTNT cũng đưa ra khuyến cáo đối với người chăn nuôi, trong điều kiện thời tiết giao mùa như hiện nay, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, người dân không nên chủ quan, giấu bệnh. Khi thấy gia súc có biểu hiện bị nhiễm LMLM cần báo ngay cho ngành chức năng, chính quyền địa phương để chủ động phòng chống và dập ổ dịch. Bên cạnh đó, người dân không nên giữ lại những gia súc bị bệnh để tự ý chữa trị hay cố tình bán, bởi điều này sẽ khiến dịch ngày càng lây lan rộng hơn.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình mua bán, vận chuyển, giết mổ, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu bị bệnh phải khẩn trương tiêu độc, sát trùng và tiêu hủy ngay những trường hợp nhiễm LMLM, ngăn dịch lây lan; đồng thời xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: HỒNG HOA