(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, người trồng rau trong tỉnh đang hối hả làm đất, chuẩn bị xuống giống vụ rau Tết để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm.
Được mùa vụ rau thu đông
Tại các vùng chuyên canh rau ở thôn Ân Phú, thôn Ngọc Thạch (Tịnh An); thôn An Đạo (Tịnh Long), TP.Quảng Ngãi, người trồng rau thở phào nhẹ nhõm, vì vụ rau thu đông được mùa, được giá. Bà Bùi Thị Tưởng, ở thôn Ngọc Thạch cho biết: “Vụ nào làm rau nấy, tùy theo đất trồng và thói quen của từng vùng. Năm nay không có lũ lớn, nên rau được mùa, được giá, giúp người trồng có thêm thu nhập để trang trải cho gia đình vào dịp cuối năm”.
Nông dân thôn An Tỉnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức) vào vụ sản xuất rau màu phục vụ thị trường Tết. |
Vụ rau thu đông được xem là khó làm nhất, vì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tuy nhiên, vụ rau thu đông năm nay thuận lợi cả về thời tiết, lẫn giá cả. Bà Cao Thị Thủy, thôn An Tỉnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức) phấn khởi cho biết: “Thương lái đến tận vườn thu mua, với giá 30.000 đồng/12 bó cải, nên chỉ trong buổi sáng, tôi nhổ hơn trăm bó bán được 300 nghìn đồng. Đây được xem là vụ rau đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao nhất trong năm”. Các loại rau, quả luôn có giá ổn định, như hành có giá 15.000 đồng/kg, bí đỏ 12.000 đồng/kg, đậu cô ve 20.000 đồng/kg... nên đã mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng.
Khai thác lợi thế từng vùng đất
Có kinh nghiệm làm laghim hơn chục năm qua, anh Phan Hai, ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) thuộc lòng quy tắc “mùa nào rau nấy”. Tuy nhiên, trồng rau màu trái vụ được coi là cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp của anh. Bởi theo anh Hai, trồng rau, củ, quả trái vụ sẽ có giá bán cao hơn.
Anh Hai chia sẻ: “Thông thường, đến mùa mưa, các xứ đồng trồng laghim trong tỉnh sẽ bị ngập nước, nên khó trồng dưa leo. Trong khi đó, lợi thế của gia đình là có đất cao ráo, nhanh thoát nước, nên anh đầu tư trồng 2 sào dưa leo và cho thu nhập cao gấp hai lần so với trồng dưa leo chính vụ”.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh Hai áp dụng trồng dưa theo quy trình sản xuất an toàn sinh học. Với năng suất đạt khoảng 1tấn/sào, giá bán dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 15.000 đồng/kg, nên gia đình anh Hai thu về hơn chục triệu đồng chỉ sau 2 tháng canh tác.
Trên địa bàn xã Hành Tín Đông cũng có nhiều hộ tận dụng lợi thế chân đất cao ráo, không bị ngập nước trong mùa mưa, để trồng các loại rau, củ, quả trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao, như cà tím, bầu, bí đao...
Cây mướp cũng được người dân trồng nhiều trên dông đất cao, đất đồi và cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng diện tích đất đồi núi, bà Phạm Thị Thú, ở thôn Long Mỹ, xã Bình Long (Bình Sơn) xuống giống 1 sào mướp. Sau hai tháng, gia đình bà Thú đã thu hoạch lứa trái bói đầu tiên. Với giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/chục, gia đình bà Thú thu về trên 20 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Vào vụ rau Tết
Mặc dù thời tiết những ngày qua khá lạnh, nhưng người trồng rau trong tỉnh vẫn tranh thủ ra đồng làm đất, chuẩn bị xuống giống các loại rau ăn lá, như rau cải, tần ơ, rau cải răm, xà lách và chăm sóc khổ qua, đậu cô ve, dưa leo... Theo kinh nghiệm của nhà nông, để sản xuất vụ rau, màu phục vụ thị trường Tết thì cần sử dụng rơm rạ để phủ lên đất, làm giàn cho các loại rau ăn quả.Vào vụ sản xuất rau Tết
Trước đây, xã Tịnh Long có 65ha trồng rau, nhưng đến nay chỉ còn khoảng dưới 40ha. “Diện tích đất trồng rau giảm, nên người dân hướng đến nâng cao năng suất trên cùng một diện tích, như trồng xen canh các loại rau màu. Với vụ rau Tết, người dân Tịnh Long chuyên canh rau cải, mồng tơi, rau má, xà lách, rau thơm... Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn, vận động người dân sử dụng các loại phân, thuốc sinh học, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm, đặc biệt là rau xanh tăng mạnh. Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm là một trong những điều cần lưu ý. Vì thế, ngoài sự tuyên truyền, vận động của ngành nông nghiệp, các địa phương cần hướng dẫn người dân canh tác, thu hoạch rau bảo đảm theo quy trình. Người trồng rau cũng cần thay đổi thói quen trồng trọt truyền thống, hướng đến sản xuất rau an toàn, nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.
Bài, ảnh: B. HÒA - H.HOA