Chật vật chuyển từ "phí" sang "giá"

10:12, 01/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, khi thực hiện Luật Phí và lệ phí, cũng như Luật Thủy lợi 2018, nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) thủy lợi trên địa bàn tỉnh lúng túng, bởi vẫn chưa xác định được mức thu và đơn vị nào chịu trách nhiệm thu, quản lý, sử dụng nguồn phí thủy lợi nội đồng...
Theo phân cấp trước đây, DN thủy lợi chịu trách nhiệm quản lý, vận hành công trình thủy lợi từ cống đầu kênh đến công trình đầu mối và được ngân sách tỉnh chi trả kinh phí thông qua hình thức giao kế hoạch, đặt hàng cung cấp dịch vụ tưới, tiêu hằng năm.  
 
Thực hiện Luật Phí và lệ phí, sắp tới, giá dịch vụ sẽ được tính đúng tính đủ, nên các hợp tác xã nông nghiệp lo sẽ không còn nguồn thu thủy lợi nội đồng.
Thực hiện Luật Phí và lệ phí, sắp tới, giá dịch vụ sẽ được tính đúng tính đủ, nên các hợp tác xã nông nghiệp lo sẽ không còn nguồn thu thủy lợi nội đồng.
 
Khoản thủy lợi phí cấp bù mỗi năm trên địa bàn tỉnh là 46 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi hưởng 65%, các Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) được 35%. Ngoài ra, các HTXNN còn được phép thu tiền của xã viên, với mức trần quy định không vượt quá 36.000 đồng/sào/năm; đồng thời, chịu trách nhiệm tu sửa, vận hành công trình tưới, tiêu nước từ cống đầu kênh lên mặt ruộng.
 
“Theo Luật Thủy lợi, “phí thủy lợi” được chuyển sang “giá thủy lợi”, để gắn trách nhiệm của bên cung cấp và sử dụng dịch vụ thủy lợi; đồng thời giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là sản phẩm hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn”.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh VÕ QUỐC HÙNG

Tuy nhiên, từ năm 2017, khi thực hiện Luật Phí và lệ phí, cùng với đó là quy định phân cấp quản lý công trình hạ tầng, kinh tế - xã hội, thì phát sinh vướng mắc.

“Nếu DN thủy lợi thu và sử dụng nguồn thu thủy lợi nội đồng, nhiều HTXNN sẽ gặp khó khăn, vì không có nguồn thu; đồng thời DN phải đảm nhận toàn bộ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ dẫn đến khó khăn trong việc thu tiền, mà công tác quản lý và vận hành các công trình thủy lợi cũng không hiệu quả”, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết.

Hơn nữa, hiện các DN thủy lợi sẽ phải xây dựng đơn giá dịch vụ thủy lợi theo hướng “tính đúng, tính đủ”. Sau khi được UBND tỉnh thông qua, các HTXNN lo lắng sẽ mất nguồn cấp bù thủy lợi phí cũng như phí thủy lợi nội đồng.

Sau khi Luật Thủy lợi 2018 có hiệu lực, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 38 về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2018  -  2020 trên địa bàn tỉnh.
 
Về trách nhiệm thu, sau khi nhận được ý kiến góp ý của các đơn vị, Sở NN&PTNT đã tổng hợp và đề xuất UBND tỉnh giao cho DN thủy lợi tổ chức rà soát hệ thống công trình thủy lợi nội đồng của từng xã, xây dựng chi phí quản lý, vận hành các công trình nội đồng, nhưng không được vượt mức trần do tỉnh quy định, xin ý kiến và thông qua Hội đồng quản trị HTX, UBND cấp xã và tổ chức thu, sử dụng kinh phí theo đúng các quy định hiện hành... để thực hiện khai thác, duy tu, bảo vệ hệ thống thủy lợi nội đồng.
 
DN thủy lợi có trách nhiệm giám sát việc khai thác, duy tu, duy trì của HTX (nếu thực hiện giao khoán) bảo đảm đúng mục đích sử dụng, đối tượng, hiệu quả và theo đúng các quy định của pháp luật...
 
Mặc dù Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng, trong từng trường hợp cụ thể, nhưng vì chưa chuyển nước thành sản phẩm hàng hóa, nên việc thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các ngành chức năng cần sớm quy định cụ thể giá nước cho từng loại hình, đảm bảo tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường và phản ánh đúng hiện trạng và hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.