"Thủ phủ" nuôi tôm trên cát phập phồng trước bão

03:11, 10/11/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Bão số 6 đang tiến vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Hiện, người nuôi trên cát ở các xã ven biển Mộ Đức đang khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ nuôi, hạn chế các thiệt hại xảy ra.
Mộ Đức là vùng nuôi tôm trên cát lớn nhất tỉnh, với diện tích có thời điểm lên đến khoảng 100ha. Chính vì vậy, khi nghe tin cơn bão số 6 có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với cường độ mạnh nên nhiều hộ nuôi tôm trên cát ở các xã ven biển huyện Mộ Đức lo lắng. Để ứng phó với cơn bão này, các hộ nuôi tôm đã khẩn trương triển khai nhiều phương án để đảm bảo an toàn hồ nuôi.
 
Mấy ngày nay, do ảnh hưởng của bão số 6 khiến cho biển động dữ dội, nhìn những con sóng hung dữ dội ầm ầm vào bờ, ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Đức Minh không khỏi lo lắng, bởi các con sóng này chỉ cách mép hồ nuôi tôm của ông khoảng hơn chục mét. 
 
“Những ngày qua mới chỉ ảnh hưởng bão số 6 mà biển động, sóng đã lớn như thế này, không biết khi bão tiến vào bờ thì sẽ ra sao. Mấy hôm nay tôi ăn ngủ chẳng yên, đêm nào nằm bên hồ tôm cũng nghe sóng đánh ầm ầm vào bờ phát sợ. ”- ông Tiến lo lắng chia sẻ.
 
Nhiều hồ nuôi tôm trên cát nằm sát mép biển nên các hộ nuôi lo sóng lớn đánh vào hồ
Nhiều hồ nuôi tôm trên cát nằm sát mép biển nên các hộ nuôi lo sóng lớn đánh vào hồ
Để ứng phó với cơn bão số 6, ông Tiến cũng như các hộ nuôi tôm khác đã tiến hành gia cố bờ bao hạn chế sạt lở, sửa chữa, giằng néo lại chòi canh, kiểm tra các chỉ số môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước cho tôm; đồng thời, tăng cường thời gian sục khí để cung cấp ôxy và tránh hiện tượng phân tầng nước ao nuôi, chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí chạy bằng dầu diezen trong trường hợp mất điện khi bão đổ bộ vào đất liền. 
 
Vậy nhưng, ông Tiến vẫn không khỏi thấp thỏm lo âu khi bão đang sắp vào đất liền. “Nếu lượng mưa lớn kết hợp với sóng lớn thì có thể sẽ gây sạt lở hồ. Khi đó thì bao nhiêu tôm trong hồ sẽ bị cuốn hết”- ông Tiến bày tỏ. 
 
Cũng như ông Tiến, do thả nuôi vào mùa mưa lũ, môi trường nước thường xuyên thay đổi đột ngột, ao nuôi được đắp bằng cát và lại nằm sát bờ biển rất dễ có nguy cơ bị sạt lở khi sóng lớn, chính vì vậy, ông Trần Văn Bảo ở xã Đức Phong đã chủ động các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra từ rất sớm. 
 
"Dù ngành chuyên môn không khuyến khích nuôi tôm vụ đông, bởi rủi ro lớn, do vào mùa mưa bão, thời tiết lạnh, tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh. Nhưng bù lại, tôm vụ đông được giá nên tôi cũng như nhiều hộ khác 'mạo hiểm' đầu tư nuôi vì nếu thành công sẽ cho lợi nhuận cao”- ông Bảo cho biết. 
 
Bão số 5 cách đây không lâu khi đổ bộ vào bờ đã làm nhiều chòi canh hồ tôm hư hỏng, tốc mái
Bão số 5 cách đây không lâu khi đổ bộ vào bờ đã làm nhiều chòi canh hồ tôm hư hỏng, tốc mái
 
Theo ông Bảo, dù gia đình ông đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó, song nghe tin đây là cơn bão có sức gió rất mạnh nên ông rất lo, bởi thời điểm này tôm bắt đầu sinh trưởng, nếu không chủ động ứng phó thì khi có sự cố xảy ra sẽ gây thiệt hại tiền tỷ. 
 
“Của cải cả gia đình đổ cả vào đấy, nên thông tin bão sắp đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ngãi khiến gia đình rất bất an. Hiện tại, chúng tôi tăng cường nhân lực, thay nhau bám hồ nuôi để chăm sóc tốt nhất cho tôm. Trường hợp bão vào, mất điện, sẽ thực hiện ngay các biện pháp tạo khí cho tôm. Đồng thời, chủ động chuẩn bị các vật tư như cọc tre, phên tre, bao cát, bạt nilon, cuốc xẻng… để sẵn sàng ứng cứu ao hồ nuôi tôm khi có sự cố vỡ hoặc nước tràn hồ”- ông Bảo chia sẻ. 
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nhiều hồ tôm ven biển ở “thủ phủ” nuôi tôm trên cát huyện Mộ Đức đã thả nuôi vụ tôm mới vì vậy, các hộ nuôi tôm luôn phân người “canh” ao nuôi 24/24h trong điều kiện thời tiết mưa bão để theo dõi môi trường và mực nước trong hồ nhằm đảm bảo tôm sinh trưởng phát triển tốt và an toàn cho hồ nuôi. 
PV- CTV

.