Quy hoạch chăn nuôi tập trung: Liệu có còn phù hợp?

02:11, 30/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực tế việc chăn nuôi thời gian qua cho thấy, công tác quy hoạch chăn nuôi tập trung kiểu khu công nghiệp đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với điều kiện hiện nay...
“Việc quy hoạch chăn nuôi là cần thiết, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi. Nhưng nếu quy hoạch kiểu tập trung về một chỗ, thì chưa ổn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho biết.
 
Theo ông Thanh, nếu “dồn” về một khu vực tập trung, nguy cơ sẽ phát sinh những hệ lụy. Đó là, nếu quy mô chăn nuôi lớn (1.000 con/trang trại), mà lại quy hoạch tập trung sẽ không đảm bảo vùng đệm an toàn dịch bệnh, khó quản lý được việc sử dụng kháng sinh và sản phẩm cũng không đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm...  
Việc quy hoạch chăn nuôi heo tập  trung đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Việc quy hoạch chăn nuôi heo tập trung đã bộc lộ nhiều hạn chế.
 
Chính vì vậy, dù đã xác định địa điểm quy hoạch chăn nuôi của huyện là xã Nghĩa Kỳ, nhưng huyện Tư Nghĩa đang cân nhắc việc thực hiện. “Chúng tôi tính toán không thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, mà chỉ xây dựng quy hoạch vùng cấm nuôi theo hướng đảm bảo khoảng cách phù hợp từ các trang trại đến khu dân cư, bệnh viện, trường học... cũng như khoảng cách giữa 2 trang trại. Điều này vừa giải tỏa sức ép về giá đất, môi trường, vừa dễ khống chế và kiểm soát dịch bệnh”, ông Thanh cho biết.
 
Trước đây, Nhà nước khuyến khích các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Nhưng vì chưa lường trước được những bất cập phát sinh, nên khi các loại dịch bệnh bùng phát, nhất là dịch tả heo Châu Phi xuất hiện và lây lan với tốc độ nhanh, thì vùng chăn nuôi tập trung không còn phù hợp. Bởi việc “ở một chỗ” không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, mà chủ các trang trại chăn nuôi cũng không thực hiện được các biện pháp cách ly dịch bệnh, dẫn đến tình trạng lây chéo.
 
Hơn nữa, quy hoạch chăn nuôi tập trung kiểu khu công nghiệp cũng không thu hút các chủ trang trại chăn nuôi. Vì không chỉ tốn kém chi phí di dời trang trại, mà tại các vùng chăn nuôi tập trung, giá đất và các chi phí như điện, nước, xử lý môi trường cao, làm tăng giá thành chăn nuôi... Đơn cử như trước đây, đất nông nghiệp ở một số khu vực có giá chỉ khoảng 100 triệu đồng/sào (1.000m2).
 
Nhưng chỉ cần có quy hoạch, hạ tầng điện, đường được đầu tư bài bản, thì giá đất cũng sẽ tăng gấp 2 - 3 lần. “Tiền thuê đất, rồi tiền đầu tư xây dựng chuồng trại và các hệ thống xử lý chất thải cũng tốn khoảng 2 - 3 tỷ đồng. Trong khi mỗi năm tôi chỉ nuôi được 2 - 3 lứa heo, mỗi lứa 1.000 con thì lợi nhuận chỉ được khoảng 500 - 700 triệu đồng”, chủ một trang trại heo ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cho biết.
 
Hiện nay, việc quy hoạch chăn nuôi tập trung không còn phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, đã đến lúc các địa phương và ngành chăn nuôi cần rà soát và điều chỉnh.
 
“Thay vì quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, các địa phương nên quy hoạch vùng chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi. Trên cơ sở đó, xác định mật độ và khoảng cách giữa các trang trại sao cho phù hợp, đảm bảo việc cách ly hoàn toàn dịch bệnh cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình chăn nuôi”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ cho biết.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.