Người tiên phong trồng sâm ba kích trên đất rừng

10:11, 07/11/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Nhận thấy sâm ba kích mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Phạm Trung Trường, ở thôn Thọ An, xã Bình An (huyện Bình Sơn) đã tiên phong đưa về trồng thử nghiệm trên đất rừng, bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan.
Người tiên phong
 
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng vườn sâm ba kích đang sinh trưởng và phát triển thuận lợi, lão nông Phạm Trung Trường cho hay, từ kết quả tìm hiểu, nghiên cứu trước đó của một nhóm kỹ sư ở trường đại học và một doanh nghiệp chuyên trồng cây ba kích ở tỉnh Quảng Nam cho thấy, cây ba kích có thể phát triển được ở vùng đất Bình An. 
 
Song song đó, được sự khuyến khích, hỗ trợ từ Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, làm “cầu nối”, người dân địa phương mới biết đến cây sâm ba kích, có cơ duyên gắn bó với loại cây trồng mới mẻ này. 
 
“Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với UBND xã Bình An mở lớp tập huấn, hỗ trợ, giới thiệu cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân an tâm rồi mới dám triển khai trồng”, ông Trường cho hay. 
 
Ông Trường chăm sóc vườn ba kích mỗi ngày.
Ông Trường chăm sóc vườn ba kích.
 
Khi cây sâm ba kích, loại cây được ví như “thần dược phòng the” được “di cư” về xã Bình An, ông Trường là người tiên phong trồng thử nghiệm. Có lẽ vì thế mà ông được nhiều người ở Bình An ưu ái đặt cho cái tên thân quen là “Trường ba kích”.
 
Ông Trường bảo: "Trồng một cây trồng mới trên mảnh đất khô cằn, ban đầu tôi cũng do dự và lo lắng lắm chứ. Nhưng tôi lại chợt nghĩ, tại sao một số nơi khác có điều kiện tương tự lại trồng được, người khác có thể làm được mà mình và địa phương lại không thể, trong khi đất nhà mình có".
 
“Dù đã 70 tuổi rồi, nhưng tôi nghĩ mình phải làm một mô hình nào đó tạo được dấu ấn trên mảnh đất này để bà con cùng học hỏi và làm theo. Không ai chịu tiên phong thì đến bao giờ mô hình mới được triển khai, nên tôi mạnh dạn làm”, ông Trường bộc bạch.
 
Nói là làm, để có kinh nghiệm trồng và chăm sóc, ông dành cả thời gian dài trong tháng 4 vừa qua để lặn lội tìm đến huyện vùng cao Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) học hỏi thêm kinh nghiệm, cách làm của bà con ở đây. Kết thúc chuyến thực tế đó, hành trang ông mang về là hơn 200 cây giống sâm ba kích. 
 
Rừng sâm ba kích được trồng dưới bóng cây gỗ sưa.
Sâm ba kích được trồng dưới bóng cây gỗ sưa.
 
Ngay sau đó ông tận dụng phần diện tích đất rừng của gia đình để trồng thử nghiệm. Cây dễ mọc, phát triển tự nhiên, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu tại địa phương.
 
Theo khảo sát từ nhiều tỉnh thành khác thì giá trị kinh tế của loại cây trồng mang lại khá cao, thị trường tiêu thụ lớn, nếu trồng ba kích thành công sẽ mang lại một nguồn thu nhập khá cho người dân. Bởi lẽ, so với các loại cây trồng khác được trồng phổ biến từ trước đến nay ở Bình An thì công chăm sóc cây sâm ba kích nhẹ hơn.
 
Mạnh dạn nhân rộng
 
Sau một thời gian triển khai, thay vì trồng thử nghiệm, đợt tháng 8, ông Trường liều lĩnh nhập thêm 25.000 cây từ huyện Tây Giang để nhân rộng, triển khai mô hình trên phần diện tích 1,5ha đất rừng, hi vọng gặt “củ ngọt” sau 4 năm trồng. 
 
“Tôi dự định đầu tháng 11 này, tôi tiếp tục nhập thêm hơn 1.000 cây để trồng bổ sung. Hiện mô hình trồng sâm ba kích trên đất rừng của tôi thuộc “top” lớn nhất tỉnh này”, ông Trường chia sẻ.
 
Cây sâm ba kích muốn phát triển nhanh cần phải có độ che phủ của rừng vì thế nó rất thích hợp trồng dưới tán rừng. Vì vậy, trồng cây ba kích vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ được diện tích rừng trồng. 
 
Cây sâm ba kích phát triển khá tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương.
Cây sâm ba kích phát triển khá tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương.
 
Được biết, cây sâm ba kích đã quá quen thuộc với những tỉnh phía Bắc và hiện đang được trồng rầm rộ tại một số tỉnh ở miền Trung. Tuy nhiên, đối với Quảng Ngãi thì đây là loại cây vẫn còn mới mẻ. Vì thế đòi hỏi hộ dân triển khai lần đầu phải là người dám nghĩ, dám làm và đặc biệt là chịu khó trong việc tìm hiểu về điều kiện phát triển, quá trình chăm sóc cây.
 
Chủ tịch UBND xã Bình An Lý Văn Hoàng cho biết, để triển khai mô hình trồng sâm ba kích, huyện đã chọn xã Bình An là nơi trồng thí điểm. Ông Trường là người có nhiều kinh nghiệm, am hiểu về kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nên địa phương đã tin tưởng chọn ông và hỗ trợ cây giống cho ông trồng thí nghiệm. 
 
“Với giá trị hiệu quả kinh tế cao trên thị trường, mô hình cây sâm ba kích trên đất Bình An sẽ là mô hình đầy hứa hẹn, mang lại hiệu quả cao, từng bước làm thay đổi nhiều bộ mặt kinh tế cũng như góp phần thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng trên địa bàn”, ông Hoàng chia sẻ thêm.
 
  • Cây ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis stow, thuộc chi Nhàu, họ Cà phê. Ba kích là cây mọc leo thành bụi, ven rừng, đồi núi ở nhiều tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hòa Bình... Đây là loại thảo dược quý có tác dụng tráng dương, bổ thận, kiện gân cốt, bài trừ phong thấp, rất tốt cho sinh lý cơ thể. Dược liệu này được sử dụng rộng rãi trong Đông y và Y học hiện đại. Tùy bệnh mà thầy thuốc sẽ bắt mạch và kê đơn cho phù hợp.
     
 
Bài, ảnh: Văn Lực
 

.