Ngừng cho vay ngoại tệ: Có lộ trình, doanh nghiệp vẫn gặp khó

02:10, 25/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù lộ trình dừng cho vay ngoại tệ đã được Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp từ khá lâu, tuy nhiên, chính sách tín dụng này vẫn gây áp lực lên các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu.
TIN LIÊN QUAN

Đã có lộ trình

Kể từ ngày 1.10.2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn, để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những nội dung của Thông tư 42/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước.
Việc hạ lãi suất cho vay đối với Việt Nam đồng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay để quy đổi ngoại tệ.
Việc hạ lãi suất cho vay đối với Việt Nam đồng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay để quy đổi ngoại tệ.

Chính sách tín dụng trên hiện gây áp lực lên các DN xuất nhập khẩu. Nguyên nhân là so với vay Việt Nam đồng, vay ngoại tệ có lãi suất thấp hơn, có lợi cho DN hơn. Nếu như trước đây, DN đi vay trung, dài hạn ngoại tệ (USD) với chi phí khoảng 5 - 6%/năm, cộng thêm phần chênh lệch tỷ giá khoảng 2%/năm, thì tổng chi phí vốn rơi vào khoảng 7 - 8%/năm.

Tỷ lệ này thấp hơn so với đi vay Việt Nam đồng trung, dài hạn hiện ở khoảng 9 - 11%/năm. Thậm chí, tổng chi phí vay USD còn thấp hơn, nếu tỷ giá USD/VND vẫn được Ngân hàng Nhà nước điều hành ở mức 1%/năm.

Theo lãnh đạo một công ty may mặc xuất nhập khẩu tại KCN Tịnh Phong, việc Ngân hàng Nhà nước dừng cho vay ngoại tệ sẽ khiến chi phí vốn của DN tăng lên, tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, làm suy giảm sức cạnh tranh của các DN trong nước trên thị trường quốc tế.

Giám đốc Vietcombank Dung Quất Võ Văn Linh cho biết: “Từ đầu tháng 10.2019, ngân hàng đã ngừng cho vay ngoại tệ trung, dài hạn đối với các DN xuất nhập khẩu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì đã có lộ trình, nên DN cũng đã chuẩn bị trước, ít có sự biến động”.

Cần giải pháp hài hòa

Thời gian qua, một số DN lợi dụng chính sách vay ngoại tệ (có lãi suất vay thấp), rồi bán trên thị trường phi chính thức và chuyển đổi qua Việt Nam đồng gửi tiết kiệm lấy lãi suất cao hơn. Do vậy, dù chính sách tín dụng nói trên ít nhiều ảnh hưởng đến DN nhập khẩu có nhu cầu sử dụng ngoại tệ, nhưng việc ban hành quy định này là cần thiết, nhằm hạn chế tình trạng trục lợi chính sách và “đô la hóa” trên thị trường. Quy định cũng được đánh giá là bước đi hợp lý và quan trọng trong việc thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Để tạo sự chủ động cho các DN xuất nhập khẩu, trước thời điểm chính sách dừng cho vay ngoại tệ có hiệu lực, những DN đang còn dư nợ ngoại tệ trung, dài hạn hầu hết đã được các ngân hàng thông báo về chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước, để có phương án chủ động cân đối lại nguồn vốn. Hơn nữa, để hỗ trợ DN, các ngân hàng cũng chủ động cập nhật các dự báo tỷ giá, tư vấn những giải pháp tài chính thay thế...

Về phía các DN, cần tích cực đẩy mạnh xuất khẩu để tăng nguồn thu ngoại tệ. Có được nguồn này, DN sẽ không phải lo vay bằng USD để chi trả nữa. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, các DN đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng hạ lãi suất cho vay Việt Nam đồng, để DN có thể vay tiền Việt rồi đổi sang USD, mà không phải chịu chênh lệch chi phí quá cao.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 

.