Lý Sơn: Cơ hội để trở thành Khu du lịch Quốc gia

11:10, 07/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi) - Huyện Lý Sơn là địa phương nằm trong quy hoạch “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ hội để Lý Sơn phấn đấu trở thành “hạt nhân” của Khu du lịch Quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết: Đến cuối tháng 9.2019, Lý Sơn đón khoảng 240 nghìn lượt khách đến tham quan du lịch. Kết quả này cho thấy, du lịch Lý Sơn đang là điểm đến thu hút du khách.

Huyện đảo xinh đẹp này diện tích gần 10km2, nhưng chứa trong lòng một kho tàng di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh, địa chất, địa mạo đặc sắc. Trải qua hàng triệu năm kiến tạo, Lý Sơn khoác lên mình một tuyệt tác thiên nhiên làm mê hoặc lòng người.
 
Trên địa bàn huyện có 10 miệng núi lửa đã tắt, độc đáo nhất là hai miệng núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới. Ngoài ra, còn có trầm tích núi lửa, cổng đá và cả “nghĩa địa” tàu cổ đắm dưới nước.
Miệng núi lửa Lý Sơn. Ảnh: BÙI THANH TRUNG.
Miệng núi lửa Lý Sơn. Ảnh: BÙI THANH TRUNG.
Lý Sơn còn là mảnh đất hội tụ, giao thoa của các nền văn hóa lớn là văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh và Đại Việt. Dấu tích xưa vẫn còn lưu giữ qua rất nhiều di tích văn hóa, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc.
 
Trong đó, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nơi đây còn lưu giữ những tài liệu, bằng chứng quý giá khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài ra, Lý Sơn còn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, với sản phẩm tỏi có hương vị rất riêng...

Với những tiềm năng hội tụ, Lý Sơn được xác định là vùng lõi của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh và đang thực hiện các bước để trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Phát huy thế mạnh du lịch

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho hay: Lý Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong quy hoạch “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là cơ hội để tỉnh và huyện đầu tư hạ tầng, đồng thời kêu gọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Lý Sơn thành Khu du lịch quốc gia.

Lý Sơn hiện có 124 cơ sở lưu trú, trong đó có 8 khách sạn từ 1- 4 sao; 53 nhà nghỉ; 63 cơ sở homestay và nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Có khoảng 6.000 lao động làm dịch vụ du lịch, giúp nâng cao đời sống của người dân.

Ông Lê Văn Ninh cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lý Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, từng bước đưa huyện Lý Sơn trở thành đô thị biển xanh, sạch, đẹp, văn minh, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; bảo vệ môi trường bền vững. Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Bình minh ở cổng tò vò (Lý Sơn).
Bình minh ở cổng tò vò (Lý Sơn).
 
Lý Sơn sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá đến khách du lịch vẻ đẹp, đặc trưng về thiên nhiên, văn hóa và con người đất đảo; thay đổi nhận thức của cộng đồng dân cư, cùng chung tay phát triển du lịch, đưa hoạt động du lịch đi vào nền nếp, hướng tới phát triển du lịch bền vững; chú trọng gìn giữ tài nguyên, môi trường, bảo tồn các di sản văn hóa, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch.
 
Huyện đang kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các sản phẩm du lịch sạch trên đảo, đầu tư các hạng mục du lịch trên cơ sở giữ nguyên vẹn giá trị di sản địa chất, địa mạo...
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 

.