Làng hoa "bội thực" thuốc bảo vệ thực vật

02:10, 27/10/2019
.
(Baoquangngai.vn) - Những làng hoa truyền thống là nơi báo động ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Việc lạm dụng thuốc BVTV đang khiến không khí ở làng hoa “ngạt thở”.

“Bội thực” thuốc BVTV

Sau 15 giờ, ánh nắng mùa thu dìu dịu, gió heo mây thổi mạnh, những ruộng hoa cúc trong vườn nhà, trên đường đi ở làng hoa Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) nồng nặc mùi thuốc trừ sâu.

Theo chân chị L.T.T, một người trồng hoa ở xã Nghĩa Hiệp xuống ruộng hoa, tôi “ngạt thở” vì mùi thuốc sâu. Thuốc chị T phun cho ruộng hoa 300 chậu còn bám những đốm trắng bạc trên lá.

Thấy tôi bịt mũi, chị T phân trần: “Hoa bị bệnh bã trầu chị mới phun thuốc chiều qua. Chị phun thuốc đẫm cả lá mà thằng cháu còn bảo chưa đạt”.
 
HOA
Trung bình cứ 6 ngày, người trồng hoa lại phun thuốc BVTV một lần.

Nhà chị T đang trồng 300 chậu hoa cúc để phục vụ tết. Hoa xuống giống chưa đầy 2 tháng, chị T nhẩm tính đã phun đến 10 lần thuốc, mất 2 triệu đồng. Trung bình cứ 6 ngày chị T vác bình phun thuốc một lần.

Ấy là bình thường, có đợt hoa bị bệnh nặng, sáng phun mà gặp mưa thì chiều chị T lại phải phun tiếp. Hoa mới phun thuốc, thuốc còn bám trên lá, nhưng chị T vẫn không dùng bao tay bảo hộ khi nhặt lá úa.

“Sao không dùng thuốc sinh học mà dùng thuốc hóa học? Làm sao tránh được ô nhiễm khi trồng hoa trong vườn nhà, sát giếng nước?”, tôi hỏi.
 
Chị T bảo: Dùng thuốc sinh học vài ngày sâu mới chết, có khi còn không chết, thuốc hóa học sâu chết ngay. Biết xịt nhiều thuốc ô nhiễm, nhưng hoa bị rất nhiều bệnh, không xịt không có hoa bán tết.

Vừa xịt thuốc sâu cho ruộng hoa cúc pha lê, lưng áo ướt đẫm, anh An, một người trồng hoa thừa nhận: Trồng hoa không xịt nhiều thuốc thì không sống nổi. Nhờ xịt thuốc liên tục hoa mới mượt, mới giữ được lá chân đến khi xuất bán.
 
H
Thuốc BVTV còn bám trên lá, nhưng người trồng hoa vẫn không dùng bao tay bảo hộ khi nhặt lá úa.
 
Tôi hỏi, mình xịt thuốc mùi hôi nồng nặc thế này, hàng xóm có phản ứng không?, anh An nói: “Ai cũng làm thế. Hàng xóm xịt thuốc thì nhà mình ráng chịu, đến lượt nhà mình xịt thuốc thì hàng xóm cũng vậy”.
 
Thực tế người trồng hoa trồng  trong vườn nhà để thuận lợi cho việc chăm sóc. Dĩ nhiên ai cũng biết hoa trồng trong khu dân cư, trong vườn nhà, thậm chí là sát cửa sổ, giếng nước của gia đình, lạm dụng thuốc BVTV hóa học nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước, sức khỏe con người, môi trường sống.
 
Khi được hỏi về ô nhiễm thuốc BVTV ở làng hoa, đôi mắt lo lắng, ông T, một người dân ở thôn Hải Môn nén tiếng thở dài: “Ô nhiễm thì khỏi nói, trồng hoa cúc họ xịt thuốc liên tục, ngạt thở không chịu nổi. Họ phun thì mình đóng cửa chứ biết sao được”.

Dân “cầu cứu” chính quyền

Trước nguy cơ thuốc BVTV ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường sống, người dân ở các làng hoa đã “cầu cứu”  chính quyền trong các buổi tiếp xúc cử tri. Mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Tư Nghĩa kiểm tra việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn huyện theo kiến nghị của cử tri.
 
H
Các ruộng hoa trồng sát nhà dân vẫn xịt thuốc vô tội vạ.
 
UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng chuyên môn hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV đúng liều lượng, chủng loại quy định trong sản suất nông nghiệp. Trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho biết, huyện đã khuyến cáo và có văn bản chỉ đạo đến các địa phương tuyên truyền đến người dân về việc nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc trong ngành BVTV không được phép dùng.

Nếu người dân vi phạm khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện sẽ xử phạt theo quy định, mục đích vừa đảm bảo phát triển, vừa đảm bảo môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường.

“Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện mời cơ quan BVTV của tỉnh về kiểm tra, nhằm tuyên truyền, vận động những người trồng hoa chăm sóc, sử dụng dùng các loại thuốc BVTV được khuyến cáo sử dụng, ít ảnh hưởng môi trường”, ông Thanh cho biết thêm.
 
Bài, ảnh: A.KIỀU

.