(Baoquangngai.vn)-
Đó là đề nghị của Sở TN& MT tỉnh yêu cầu UBND huyện Lý Sơn trong công tác thu gom, quản lý và xử lý đất thải nông nghiệp nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sau mỗi lần thay đất.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Huyện đảo Lý Sơn có khoảng hơn 300ha diện tích đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất hành, tỏi. Với đặc thù canh tác, mỗi mùa vụ, trong quá trình làm đất để trồng hành, tỏi, nông dân phải cào hết lớp cát cũ dày khoảng 0,5- 1cm thay vào đó dùng một lớp cát trắng phủ lên diện tích đất canh tác.
Việc lớp cát cũ thay ra không thể sử dụng được nên nông dân Lý Sơn phải thu gom, vận chuyển đi đổ bỏ. Thời gian qua, UBND huyện Lý Sơn đã quy hoạch 26 vị trí đổ đất thải nông nghiệp gần khu vực sản xuất cho nhân dân hai xã An Vĩnh, An Hải, với tổng diện tích quy hoạch hơn 3.300m2.
Ước tính lượng đất thải phải thu gom, vận chuyển đến vị trí đổ thải tập trung của huyện khoảng 10.200m3/năm, trong khi đó diện tích đảo nhỏ hẹp nên tại các vị trí quy hoạch đổ đất thải hầu như đã lấp đầy. Việc tìm kiếm khu vực đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn cũng như việc xử lý khối lượng đất thải này đang gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, UBND huyện Lý Sơn đã có văn bản gửi Sở TN&MT cho ý kiến tham vấn về việc người dân Lý Sơn xin được đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp xuống biển. Đồng thời, đề nghị Sở TN&MT quan tâm, hướng dẫn địa phương các quy trình, thủ tục cần thiết trong việc xử lý đất thải nông nghiệp theo phương án đổ thải xuống biển theo đúng quy định hiện hành.
Lý Sơn đang loay hoay tìm hướng xử lý phù hợp lượng đất thải nông nghiệp thải ra môi trường |
Liên quan đến kiến nghị của UBND huyện Lý Sơn, sau khi tham vấn ý kiến các sở, ngành chức năng, Sở TN&MT tỉnh đã có văn bản phúc đáp.
Theo đó, Sở TN&MT tỉnh cho rằng, hiện nay, trong quá trình trồng hành, tỏi, nông dân Lý Sơn sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng nên nguy cơ dư lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật còn tồn lưu trong đất thải.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, sau mỗi lần thay đất, Sở TN& MT tỉnh đề nghị UBND huyện Lý Sơn cần kiểm soát, quản lý, thu gom toàn bộ lượng đất thải; đồng thời phân tích, đánh giá dư lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong đất, nếu các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép có thể tận dụng san lấp mặt bằng công trình xây dựng hoặc đổ thải tại những vị trí phù hợp.
Trường hợp các chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép thì phải có biện pháp xử lý triệt để dư lượng các loại hóa chất trước khi tận dụng hoặc đổ thải.
Về lâu dài, đề nghị UBND huyện Lý Sơn tổ chức khảo sát, lựa chọn vị trí đổ đất thải nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như đảm bảo quy hoạch xây dựng, cảnh quan và bảo vệ môi trường.
H.P