Chống thất thu ngân sách nhà nước: Cần sự phối hợp từ nhiều phía

09:10, 21/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, góp phần thu hồi những nguồn thu còn thất thoát nộp vào ngân sách nhà nước, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu, đồng thời ban hành các quy chế phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực liên quan.

Biết nguồn thu năm nay gặp nhiều khó khăn do hụt thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, từ đầu quý II/2019, ngành thuế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp chống thất thu và thu hồi nợ đọng. Tuy nhiên, để chống thất thu không chỉ trông chờ vào ngành thuế, mà cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.

“Nóng” vấn đề thuế tài nguyên

Theo số liệu thống kê của Cục Thuế tỉnh, tổng thu ngân sách đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản 8 tháng năm 2019 khoảng hơn 124 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp (DN) kê khai, nộp là 118,6 tỷ đồng, thu qua thanh tra, kiểm tra thuế trên 5,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì tổng số nợ thuế trong lĩnh vực này còn khá lớn. Tính đến ngày 31.8.2019 là gần 30 tỷ đồng (nợ khó thu gần 3 tỷ đồng), chiếm gần 24% trên tổng số thu thuế.

Một trạm xay đá, trộn bê tông tại chân công trường thủy điện xây dựng trên địa bàn huyện Trà Bồng.       Ảnh Minh Họa
Một trạm xay đá, trộn bê tông tại chân công trường thủy điện xây dựng trên địa bàn huyện Trà Bồng. Ảnh Minh Họa

Nguyên nhân dẫn đến nợ thuế trong lĩnh vực này tăng cao là do nhiều DN hoạt động kinh doanh khai thác tài nguyên khoáng sản thực hiện kê khai sai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; sử dụng tài nguyên đất, cát tại chỗ, nhưng không trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép; một số DN còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản kéo dài; hoạt động khai thác vượt phép và trái phép vẫn diễn ra phổ biến.

Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin, thanh tra, kiểm tra, thu nợ thuế còn chưa chặt chẽ; vướng mắc về giá tính thuế tài nguyên đối với cát năm 2018 chưa được giải quyết triệt để...

Có một thực tế là, hầu hết các mỏ cát trên sông Trà Khúc, sông Vệ đều khai thác vượt mốc giới, quá độ sâu cho phép, vượt trữ lượng, dẫn đến thất thu thuế tài nguyên. Việc sử dụng cát, sỏi tại chỗ để xây dựng các công trình, kể cả là công trình vốn ngân sách, công trình tư nhân hầu hết chưa được kiểm soát khối lượng để đưa vào thu thuế. Hiện tượng này xảy ra khá phổ biến ở các huyện Nghĩa Hành, Ba Tơ, Sơn Tây.

Thậm chí, nhiều công trình cầu, kè, khi xây dựng xong đã tổ chức tận thu cát, sạn quanh khu vực. Trong đó, tập trung nhiều nhất là một số dự án thủy điện ở miền núi; một số công trình ở các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ, đã sử dụng đá nổ mìn để xay, trộn bê tông, xây dựng công trình, nhưng không được cấp phép, kiểm soát khối lượng, dẫn đến không có cơ sở để thu thuế tài nguyên.

"Sở TN&MT chịu trách nhiệm đối chiếu sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác khai, nộp thuế với dữ liệu quản lý của cơ quan TN&MT. Trường hợp sản lượng khai thuế không phù hợp với sản lượng được phép khai thác ghi trên giấy phép khai thác, hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời có biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị; chuyển thông tin cho cơ quan thuế để xử lý theo quy định. Chủ động phối hợp với các cấp, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản và việc chấp hành nghĩa vụ tài chính liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh VÕ PHIÊN

Chống thất thu thuế bất động sản

Những năm gần đây, tình hình hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này cũng trở nên phức tạp hơn, khi DN lợi dụng các chính sách để khai gian, hoặc “lách luật” nhằm trốn thuế.

Để chống thất thu trong lĩnh vực trên, những tháng đầu năm 2019, ngành thuế đã xây dựng riêng chuyên đề về chống thất thu thuế kinh doanh bất động sản. Theo đó, thành lập một tổ nghiệp vụ chuyên nghiên cứu, tập hợp, phân tích hồ sơ đối với nhóm DN trong tỉnh và DN vãng lai kinh doanh bất động sản. Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện trên chục DN cả trong và ngoài tỉnh khai thuế chưa đúng, hoặc chưa kê khai.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Luyện cho biết: Dựa trên tình hình kê khai qua hồ sơ của DN, ngành thuế sẽ phân tích rủi ro xem DN nào kê khai tốt, DN nào chưa tốt. Trên cơ sở đó sẽ có sự phân loại và chọn ra các DN rủi ro để kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Đồng thời, yêu cầu các DN ngoài tỉnh kê khai thuế vãng lai đối với hoạt động bất động sản theo quy định.

Ngoài ra, các DN trong tỉnh chưa kê khai đối với hoạt động thu tiền trước của người sử dụng đất (người nhận chuyển nhượng), cũng đã được yêu cầu kê khai bổ sung... với số tiền hàng chục tỷ đồng.    

Cần sự phối hợp đồng bộ

Theo lãnh đạo ngành thuế tỉnh, đối với lĩnh vực thuế tài nguyên, ngành thuế đã kiểm tra, rà soát tình hình kê khai nộp thuế, cũng như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các DN đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện nhiều trường hợp khai không đúng với thực tế. Cục Thuế tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị Sở TN&MT cung cấp thông tin về tình hình, tiến độ, sản lượng khai thác đối với các mỏ đã được cấp phép.

Kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực thất thu thuế nhiều nhất.
Kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực thất thu thuế nhiều nhất.

Những trường hợp khai thác xong đóng mỏ theo Luật Tài nguyên khoáng sản, cơ quan thẩm quyền phải kiểm tra, xác định sản lượng thực tế khai thác và cung cấp cho cơ quan thuế xem DN đã khai đủ chưa để làm cơ sở tính thuế.

Tuy nhiên, việc phối hợp vẫn chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng khai thác một đường, nhưng kê khai sản lượng một nẻo. Chính điều này đã tạo kẽ hở để DN lách luật, gây thất thoát ngân sách, trong khi nguồn thu không đủ để khắc phục những thiệt hại do quá trình khai thác tài nguyên khoáng sản gây ra cho môi trường.

Để tăng cường công tác quản lý thuế, tăng thu thuế trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên trong cuộc họp bàn giải pháp chống thất thu thuế mới đây đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Việc trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định, việc khai thác cát, dù là trữ lại chưa sử dụng vẫn phải tính toán nộp thuế, vì đã khai thác vận chuyển ra khỏi mỏ.

Riêng đối với lĩnh vực mua bán, kinh doanh bất động sản, việc ghi giảm giá thực tế giao dịch trên các hợp đồng chuyển nhượng, nguyên nhân chủ yếu là do giá đất quy định của UBND các tỉnh, thành phố xây dựng chưa sát với giá thị trường.

Do đó, nhằm tránh thất thu thuế thu nhập cá nhân, chống việc lách thuế qua việc ghi giá thấp trên hợp đồng chuyển nhượng, UBND tỉnh cần xây dựng và ban hành giá nhà, đất tính thuế và điều chỉnh hằng năm sao cho phù hợp và sát giá thực tế chuyển nhượng trên thị trường.   

Vì môi trường kinh doanh công bằng

Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nguyễn Văn Luyện nhấn mạnh: Thời gian qua, mặc dù công tác chống thất thu ngân sách đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, song kết quả thu vẫn chưa thực sự sát với thực tế. Vì vậy, tăng cường chống thất thu không phải là lạm thu, mà đây là giải pháp góp phần trả lại sự công bằng cho những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh chân chính và đảm bảo quyền lợi cho người có ý thức chấp hành tốt pháp luật về thuế.


Bài, ảnh: T.NHỊ - H.HOA

 

.