(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng, sâu bệnh, nên năng suất các loại cây trồng sụt giảm, khiến nông dân trong tỉnh có một vụ hè thu kém vui...
TIN LIÊN QUAN
Năng suất lúa giảm
Nếu như vụ hè thu 2018, năng suất lúa của ông Nguyễn Trang, xã Đức Phú (Mộ Đức) đạt 61 tạ/ha, thì năm nay chỉ còn 58 tạ/ha. Dù năng suất giảm, nhưng ông Trang vẫn còn may mắn hơn một số nông dân khác.
Như hộ ông Lê Xuân Long, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), không chỉ bị chuột cắn phá, 3 sào lúa nhà ông còn nhiễm bệnh lem lép hạt. Vì vậy, ông Long rơi vào cảnh “gặt thì tốn chi phí, mà bỏ cũng chẳng xong”.
Năng suất giảm, lúa lại ngã đổ, nên vụ hè thu năm 2019 nông dân gặp rất nhiều khó khăn. |
Theo nhận định của nhiều nông dân, nguyên nhân khiến năng suất lúa hè thu sụt giảm, phần vì thời gian “nghỉ” giữa 2 vụ đông xuân 2018 - 2019 và hè thu 2019 ngắn, nên cỏ dại, lúa hai tầng (lúa cỏ) chưa được tiêu diệt triệt để; phần do các loại dịch hại lây lan, cộng với nắng nóng gay gắt kéo dài, khiến bệnh chết cây và lem lép hạt bùng phát, gây thiệt hại nặng nề cho cây lúa.
Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ hè thu năm 2019, toàn tỉnh gieo sạ 37.000ha lúa và 17.000ha cây rau màu. Trong khi đó, các công trình thủy lợi chỉ đảm bảo cấp nước tưới chủ động cho gần 40.000ha; còn khoảng 14.000ha phụ thuộc vào nước trời. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, nguồn nước cạn kiệt, nên ngoài diện tích (tập trung ở huyện Đức Phổ và Bình Sơn) bị bỏ hoang, thì có đến hàng trăm hécta lúa cũng bị thiếu nước, năng suất giảm 3 - 5 tạ/ha so với hè thu năm 2018.
Không những năng suất giảm, mà giá lúa hiện tại cũng ở mức thấp. Cụ thể, với giống lúa DT45, ĐH815-6, thương lái thu mua tươi tại ruộng từ 4.100- 4.300 đồng/kg, còn một số loại lúa thơm có giá từ 4.500 - 5.000 đồng/kg...
So với vụ hè thu năm 2018, bình quân giá lúa giảm 1.000 đồng/kg. “Năm nay, giá thành sản xuất lúa cao hơn mọi năm do giá giống và phân bón tăng, rồi nắng nóng kéo dài, khiến gia đình tốn thêm tiền đào giếng, mua ống dẫn nước... Tuy nhiên, do năng suất thấp, cộng với giá bán giảm, thì sau 3 tháng chăm sóc, nông dân cầm chắc phần lỗ”, ông Long cho biết.
Bất lợi bủa vây, nên hiện giờ, dù nhiều diện tích lúa còn xanh, nhưng với phương châm “xanh nhà hơn ngã đồng”, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh vẫn tiến hành thu hoạch, vì lo lúa bị ngã đổ, sẽ tốn thêm chi phí.
Bắp thất thu
Không chỉ nông dân trồng lúa, mà nhiều hộ sản xuất bắp cũng điêu đứng. “Nắng nóng cộng với sâu bệnh bùng phát gây hại mạnh, nên năng suất bắp giảm 6 - 7 tạ/ha”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú Nguyễn Giáp Thìn lý giải.
Thời điểm này mọi năm, nông dân trồng bắp ở xã Đức Phú tất bật thu hoạch, để kịp xuống giống rau màu vụ thu đông. Nhưng năm nay, bắp chết cây do nắng nóng và sâu keo mùa thu gây hại, nên năng suất giảm từ 54 - 55 tạ/ha xuống còn 45-46 tạ/ha.
Cùng với vùng chuyên canh, nhiều diện tích bắp được nông dân tin tưởng lựa chọn để “thế chỗ” cho cây lúa cũng bị thất thu. “Nhà có 4 sào đất canh tác lúa, nhưng do thiếu nước, nên vụ hè thu, tôi chuyển sang trồng bắp và bí đao. Mọi năm, bắp được mùa, năng suất đạt 55 tạ/ha, nhưng năm nay chỉ còn 47 tạ/ha”, bà Trần Thị Bích Ngọc, xã Đức Phú (Mộ Đức) cho biết.
Để ứng phó với vấn đề khô hạn trong vụ hè thu, nhiều diện tích sản xuất lúa không chủ động nước tưới được nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết năm 2019 bất thường, nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nên hàng loạt diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước, khiến năng suất giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.