Thành phố Quảng Ngãi: Loay hoay với mô hình sản xuất rau sạch

03:08, 31/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thành phố Quảng Ngãi có nhiều vùng đất trù phú, phù hợp với canh tác rau, nhất là trồng rau sạch, rau an toàn, nhưng tiềm năng này vẫn chưa được khai thác có hiệu quả...

TIN LIÊN QUAN

Là những địa phương sản xuất rau truyền thống, mỗi ngày nông dân các xã Tịnh Long, Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn rau các loại. Tuy nhiên, hầu hết người dân sản xuất rau ở đây chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa áp dụng kỹ thuật và các biện pháp an toàn sinh học. Chính vì vậy, dù sản lượng rau tăng, đa dạng về chủng loại, nhưng giá trị kinh tế còn thấp.

“Chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nên giá bán thấp. Hơn nữa, người dân sản xuất kiểu mạnh ai nấy làm, không theo quy hoạch, giá bán phụ thuộc vào thương lái, nên thường rơi vào cảnh được mùa thì rớt giá”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT) Nguyễn Đức Bình đánh giá.

Có tiềm năng và lợi thế, nhưng các
Có tiềm năng và lợi thế, nhưng các "vựa" rau trên địa bàn thành phố lại gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, rau sạch.

Để cải thiện và nâng cao hiệu quả sản xuất rau, năm 2013, Dự án xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP được triển khai tại xã Nghĩa Dũng, với diện tích 10ha. Ngoài việc hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn cho người dân, dự án còn được ngân sách đầu tư hơn 5 tỷ đồng để xây dựng 1,3km đường giao thông, hệ thống điện và nhà sơ chế rau.

Đến năm 2014, sản phẩm rau an toàn do HTX Kinh doanh và dịch vụ Sông Trà (HTX Sông Trà) được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Vì vậy, giai đoạn 2015 - 2017, HTX Sông Trà hoạt động khá hiệu quả, với 44 xã viên tham gia sản xuất đạt 800 tấn rau các loại/năm; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, cũng như mở cửa hàng bán rau an toàn, với sản lượng 2 tạ/ngày, tạo thu nhập ổn định cho xã viên.

Tuy nhiên, mô hình này hiện đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”. Nguyên nhân do sức tiêu thụ rau an toàn ngày càng sụt giảm, khiến HTX Sông Trà rơi vào cảnh “thu không đủ chi”.  Điều này cũng làm cho người dân các xã Tịnh Hà, Tịnh Long, Tịnh Ấn Đông, Tịnh Thiện và Tịnh Châu lo lắng khi đăng ký thực hiện sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, với quy mô 15ha.  

Trên địa bàn tỉnh không thiếu các đơn vị tiêu thụ rau an toàn, rau sạch, đặc biệt là các trường học, bếp ăn của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc một số đơn vị sản xuất cho rằng rau an toàn, rau sạch không tìm được đầu ra là một nghịch lý. Theo chúng tôi, ngoài việc thông tin chưa rộng rãi, thì người sản xuất rau vẫn chưa thực sự thay đổi nhận thức và thói quen sản xuất, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều nông dân luôn trăn trở và tìm cách nâng cao chất lượng sản xuất rau sạch, rau an toàn... thì vẫn còn một số hộ không tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, rồi bán sản phẩm theo kiểu “vàng thau lẫn lộn”.

Do đó, đã đến lúc các nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) cần “bắt tay” tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ rau sạch, để hình thành những mô hình sản xuất quy mô lớn, đảm bảo chất lượng; tiến tới xây dựng thương hiệu cho các vùng rau ở TP.Quảng Ngãi.

Nếu liên kết chặt chẽ, đầu ra ổn định, rau an toàn sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn rau sản xuất theo kiểu truyền thống từ 15-20%, lại đảm bảo môi trường và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bài, ảnh: THANH PHONG

 

.