(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã thực hiện có hiệu quả chương trình kaizen (sự cải tiến liên tục) và ngày càng có nhiều sáng kiến, cải tiến thiết thực được áp dụng trong công việc. Chỉ riêng trong quý II/2019, BSR có đến 46 sáng kiến, cải tiến kaizen, tiết kiệm cho BSR gần 1,2 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới đây, Ban Pháp chế - Quản trị rủi ro Công ty BSR đã công bố 46 sáng kiến, cải tiến kaizen trong quý II/2019 đã được đưa vào áp dụng và đề xuất Tổng Giám đốc BSR công nhận, vinh danh, khen thưởng. Trong đó, có 41 cải tiến kaizen đã được áp dụng thành công, mang lại lợi ích bằng tiền cho Công ty ước tính gần 1,2 tỷ đồng và 5 ý tưởng khả thi sẽ được đưa vào áp dụng trong thời gian đến.
Cán bộ, công nhân viên BSR luôn tích cực thực hiện sáng kiến, cải tiến trong công việc. |
Một trong những cải tiến vừa được áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực tại NMLD Dung Quất là: “Thiết kế, chế tạo dụng cụ chuyên dụng để mở/đóng nắp hộp chứa cảm biến của thiết bị đo O2 dư 013-AT-605/606/607/608” của kỹ sư Võ Doãn Tâm, thuộc Ban Bảo dưỡng sửa chữa (BDSC), công ty BSR.
Anh Võ Doãn Tâm cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tế, hộp chứa cảm biến thiết bị đo O2 dư được chế tạo theo tiêu chuẩn chống cháy nổ, nắp hộp có khối lượng khá lớn (khoảng 10kg), hộp được đặt trong môi trường làm việc có nhiệt độ cao nên rất khó khăn khi dùng tay để mở/đóng nắp hộp được. Khi có yêu cầu mở nắp hộp ra để kiểm tra hoặc thay thế các cảm biến bên trong thường rất khó khăn nếu không có dụng cụ chuyên dụng.
Trước thực tế đó, tôi đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo dụng cụ chuyên dụng để mở/đóng nắp hộp một cách an toàn, dễ thao tác và thuận tiện cho công tác bảo dưỡng sửa chữa thiết bị. Dụng cụ chuyên dụng này được chế tạo từ vật liệu thép hợp kim, kích thước dựa trên kích thước thực tế nắp hộp; giúp tiết kiệm thời gian và công sức mở/đóng nắp hộp, góp phần đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.
Hay như ý tưởng “Sử dụng khối V và trục giả để thực hiện cân chỉnh đồng trục cho tuốc bin hơi A - 400 AB để giải quyết vấn đề rung động” của kỹ sư Huỳnh Ngọc Sanh và Lê Chí Cảnh (Ban BDSC). Lợi ích vô hình của ý tưởng này là nâng cao độ sẵn sàng và tin cậy của thiết bị, với giá trị làm lợi 845 triệu đồng. Ý tưởng “Xem xét chế độ cấp liệu cho phân xưởng CCR, cài đặt thêm chức năng khởi động tại DCS để dừng bơm P-5104 trong vận hành bình thường để tiết kiệm năng lượng” của kỹ sư Trần Xuân Bình (Ban Vận hành sản xuất), mang lại giá trị kinh tế cho công ty 324 triệu đồng...
Theo Ban Pháp chế - Quản trị rủi ro BSR, nhiều ý tưởng của CBCNV gửi về Ban được đánh giá tốt như: “Thu hồi sản phẩm LPG tại đồng hồ 081FQIC210 trong quá trình tháo van 081MOV210 sửa chữa phục vụ kiểm định định kỳ hằng năm của kỹ sư Đinh Thanh Hải (Ban Vận hành sản xuất), giúp tiết kiệm chi phí cho công ty từ việc thu hồi lượng LPG từ van cô lập, mang lại giá trị bằng tiền trên 100 triệu đồng; “Gia công thay thế tấm đế bơm để đứng với kích thước yêu cầu cho thiết bị P-5226S” của kỹ sư Phạm Ngọc Huy (Ban BDSC) đã nâng cao độ tin cậy của hệ thống công nghệ và tính sẵn sàng của thiết bị, tiết kiệm cho Công ty hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có rất nhiều ý tưởng khác đã từng bước đưa vào áp dụng, giúp Công ty tiết kiệm chi phí và vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, hiệu quả.
Giúp công ty phát triển bền vững Phó Giám đốc NMLD Dung Quất Mai Tuấn Đạt khẳng định: “Với sự “truyền lửa” mạnh mẽ từ lãnh đạo công ty và lãnh đạo các ban, đến nay hoạt động cải tiến kaizen đã trở thành “phản xạ tự nhiên” của hầu hết các kỹ sư và công nhân NMLD Dung quất. Các sáng kiến và cải tiến này đã đóng góp quan trọng để Nhà máy vận hành an toàn hơn - hiệu quả hơn mỗi ngày; đồng thời góp phần phát triển công ty bền vững và thịnh vượng”. |