(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là hết hạn thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ và phía đông huyện Sơn Tịnh (nay là TP.Quảng Ngãi)” (gọi tắt là dự án đê bao Tịnh Kỳ), nhưng dự án này vẫn còn ngổn ngang.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gần 5 năm thi công chưa xong 3,5km
Dự án đê bao Tịnh Kỳ có tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng, được bố trí vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH của Chính phủ. Theo kế hoạch, dự án thực hiện từ năm 2015 – 2017, gồm hai hạng mục xây dựng 3,5km đê, kè dọc sông Bài Ca (xã Tịnh Kỳ) và trồng 8,5ha cây chắn sóng.
Chỉ còn hơn 4 tháng nữa là hết thời gian thực hiện dự án, nhưng hạng mục đê bao Tịnh Kỳ vẫn còn hơn 300m dở dang. |
Song, do những khó khăn phát sinh trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), nên đến năm 2017, dự án vẫn chưa hoàn thành theo kế hoạch. Vì vậy, UBND tỉnh đã xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2019. Theo quy định tại điều 13, Nghị định 77 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, nếu hết năm 2019, dự án vẫn không giải ngân đúng tiến độ, thì sẽ bị cắt vốn. Vì vậy, năm 2019 là giai đoạn “chạy nước rút” để chủ đầu tư là Sở TN&MT hoàn thành toàn bộ những hạng mục còn dang dở của dự án này.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã được phân bổ đủ nguồn vốn ngân sách trung ương (130/130 tỷ đồng), nhưng dự án mới giải ngân được 91 tỷ đồng (trong đó chưa kể nguồn vốn năm 2017 chuyển tiếp sang 2018 không giải ngân hết là 11,7 tỷ đồng). Số vốn chuyển từ năm 2018 sang 2019 là 27 tỷ đồng, nhưng đến nay giải ngân chưa đến 30%.
Lý giải về việc này, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Nguyễn Hải Nam cho biết: “Công tác bồi thường, GPMB được Trung tâm thực hiện từ năm 2015, nhưng do nguồn gốc sử dụng đất khá phức tạp, nên liên tục gặp vướng mắc. Đến nay, vẫn còn 4 hộ chưa thống nhất với phương án bồi thường, GPMB, khiến hạng mục kè chắn sóng vẫn còn 300m dang dở”.
Xin cắt giảm hạng mục
Trong khi hạng mục đê, kè còn dang dở; thì hạng mục 8,5ha cây chắn sóng cũng gặp vướng mắc. Nguyên nhân là phạm vi trồng cây chắn sóng của dự án phần lớn là ao, hồ nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương, nên cần đến 30 tỷ đồng để bồi thường, GPMB. Trong khi đó, chi phí trồng cây theo kế hoạch được duyệt chỉ 1,8 tỷ đồng, còn chi phí phát sinh theo quy định sẽ được phân bổ vào vốn đối ứng ngân sách tỉnh.
Tại báo cáo đánh giá quá trình thực hiện dự án này, UBND tỉnh cho rằng, sở dĩ có phát sinh này là do trong quá trình khảo sát, trình phê duyệt dự án, chủ đầu tư là Sở TN&MT đã không dự kiến kinh phí bồi thường, GPMB.
Vì vậy, chủ đầu tư đã không tính toán vào tổng mức đầu tư thực hiện dự án. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện kiểm kê, GPMB để triển khai thi công, làm việc với chính quyền địa phương để xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, thì phần lớn đều là ao, hồ nuôi trồng thủy sản do người dân quản lý, sử dụng.
Trước chi phí của hạng mục trồng cây chắn sóng phát sinh lên đến 30 tỷ đồng, UBND tỉnh đang đề nghị các Bộ, ngành trung ương xem xét, cho phép cắt giảm hạng mục này.
Bài, ảnh: Ý THU