Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu: Khó hoàn thành theo kế hoạch

08:08, 28/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù được ưu tiên bố trí vốn từ Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), để thực hiện các dự án phi công trình, nhằm giúp người dân ven biển thích ứng với BĐKH; tuy nhiên việc triển khai các dự án này trên địa bàn tỉnh đã và đang gặp nhiều vướng mắc, hạn chế...

TIN LIÊN QUAN

Thời gian qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH, tỉnh đã thực hiện các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển gồm: Trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận (Bình Sơn); trồng rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn) và hạng mục trồng cây chắn sóng thuộc dự án xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với BĐKH tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).

Đây là các dự án phi công trình hướng tới mục tiêu từng bước tạo vành đai rừng, chống sạt lở, tạo sinh kế bền vững và giúp người dân ven biển ứng phó BĐKH.

 Dự án xây dựng hệ thống đê bao ứng phó biến đổi khí hậu tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đang xin cắt giảm hạng mục 8,5ha cây chắn sóng, vì vướng hồ nuôi tôm của người dân.
Dự án xây dựng hệ thống đê bao ứng phó biến đổi khí hậu tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đang xin cắt giảm hạng mục 8,5ha cây chắn sóng, vì vướng hồ nuôi tôm của người dân.

Với tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng, Dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận, được triển khai trong hai năm 2014 - 2015, với tổng diện tích thực hiện hơn 100ha. Thế nhưng đến năm 2017, phần lớn diện tích cây đước trồng mới của dự án bị sinh vật lạ gây hại, đục khoét vào thân, rễ, hút hết dưỡng chất làm cây chết. Vì vậy, tỉnh đã phải tiêu hủy 7,3ha, nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Sau Dự án trồng rừng ngập mặn tại xã Bình Thuận, Dự án trồng rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương tiếp tục được trung ương bố trí vốn từ Chương trình ứng phó với BĐKH, với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã lập kế hoạch triển khai trồng mới khoảng 65ha dừa nước tại các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Trị và chăm sóc, bảo vệ 26ha rừng ngập mặn hiện có.

Thời gian thực hiện của dự án kéo dài từ 2015 – 2019. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, sau khi trồng mới khoảng 41/65ha, Sở TN&MT đã đề xuất không tiếp tục trồng 24ha rừng ngập mặn còn lại. Nguyên nhân là do diện tích trồng rừng theo kế hoạch được duyệt trùng với vùng tích nước của hồ chứa Cà Ninh, phục vụ cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, nên việc trồng rừng ở khu vực này không còn hiệu quả.

Trên cơ sở đề xuất của Sở TN&MT, UBND tỉnh đã thống nhất không tiếp tục trồng rừng ngập mặn đối với diện tích nói trên, đồng thời giao Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát lại Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH, để khảo sát tìm vị trí trồng mới phù hợp hơn, đảm bảo tiến độ dự án. Tuy nhiên, đến nay dù đã sắp hết thời gian thực hiện dự án, nhưng Sở TN&MT vẫn chưa tìm được vị trí để trồng bổ sung.

Trong khi đó, Dự án xây dựng hệ thống đê bao ứng phó BĐKH tại xã Tịnh Kỳ; hạng mục 8,5ha cây chắn sóng cũng đang nằm trong diện xin cắt giảm. Nguyên nhân là phạm vi trồng cây chắn sóng của dự án phần lớn là ao, hồ nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương, nên cần đến 30 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong khi chi phí trồng cây theo kế hoạch chỉ được trung ương bố trí 1,8 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải, từ tháng 4 -  6.2019, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi các Bộ, ngành trung ương xem xét, cho ý kiến về việc cắt giảm hạng mục trồng cây chắn sóng. Dù vậy, đến nay các Bộ, ngành vẫn chưa có ý kiến. Do đó, UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở TN&MT chủ động làm việc với các Bộ, ngành để sớm có ý kiến với chủ trương điều chỉnh nói trên. Bởi đến hết năm 2019, dự án này phải hoàn thành và giải ngân toàn bộ vốn.

Bài, ảnh: Ý THU

 

.