(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù giá đậu nành nhập khẩu chỉ 14.000 – 15.000 đồng/kg, còn giá đậu nành thu mua tại địa phương là 16.000 đồng/kg trở lên, nhưng để chủ động nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đã triển khai xây dựng vùng nguyên liệu tại Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN
Khôi phục vị thế cây đậu nành
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Đậu nành Vinasoy Lê Hoàng Duy cho biết: Trước đây, người dân Quảng Ngãi thường trồng đậu nành. Tuy nhiên, những năm gần đây do đầu ra không ổn định, nên diện tích trồng đậu nành ngày càng giảm. Mặt khác, giá đậu nành trong nước không cạnh tranh được với giá đậu nành nhập khẩu.
Lãnh đạo Vinasoy hướng dẫn người dân Quảng Ngãi chăm sóc cây đậu nành. |
Để khôi phục cây đậu nành, từ vụ đông xuân năm 2015-2016, Vinasoy đã hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân trồng thử nghiệm 1,7ha đậu nành tại bãi bồi ven sông Vệ ở các xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) và Đức Hiệp (Mộ Đức). Đến vụ đông xuân 2018 – 2019, diện tích đậu nành mở rộng thêm tại các xã Hành Minh (Nghĩa Hành), Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), Bình Mỹ (Bình Sơn), với diện tích hơn 20ha. Nhà máy cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và hợp đồng thu mua sản phẩm với giá bảo hiểm, giúp nông dân không lo bị ép đầu ra.
Ông Dương Bá Sơ, chuyên viên quản lý phát triển vùng nguyên liệu đậu nành Vinasoy cho hay, từ nhu cầu sản xuất giống đậu nành cho Tây Nguyên, Vinasoy đã trồng thử nghiệm tại Quảng Ngãi và nhận thấy, cây đậu nành phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Quảng Ngãi, nhất là vùng bãi bồi ven các con sông trong tỉnh. Năng suất đạt trung bình 2,5 – 3 tấn/ha. Có hộ trồng đạt 3,5 tấn/ha, như bà Lê Thị Bông, ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức), cao gần gấp 2 lần so với các giống đậu nành khác. Ngoài ra, đậu nành có thể trồng xen với mì, dâu... mang lại hiệu quả cao, vì gốc đậu nành được xem là “nhà máy đạm tự nhiên” cùng với lá, thân giúp tăng dinh dưỡng cho đất.
“Nếu chỉ đơn thuần nhập khẩu đậu nành để chế biến, thì Vinasoy có thể tiết kiệm hơn 70 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, với những mục tiêu và kỳ vọng của một doanh nghiệp thuần Việt, việc xây dựng vùng nguyên liệu sẽ giúp Vinasoy chủ động được nguồn đậu nành nội địa có chất lượng phù hợp với các dòng sản phẩm của nhà máy”. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng |
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất
Diện tích đất bãi bồi ven sông ở Quảng Ngãi rất lớn, từ 4.000 – 5.000ha, có khả năng phát triển vùng nguyên liệu đậu nành. Ông Lê Hoàng Duy cho biết: “Bên cạnh chọn tạo các giống đậu nành mới, trung tâm còn khảo nghiệm, cải tiến các biện pháp kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân tại các vùng nguyên liệu, nhằm tối ưu năng suất đậu nành”.
Hiện nay, Vinasoy định hướng phát triển vùng nguyên liệu nội địa theo chuỗi liên kết khép kín. Vùng nguyên liệu còn góp phần hình thành tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhiều người dân đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất đậu nành của Vinasoy.
Giám đốc Vinasoy Ngô Văn Tụ cho biết thêm: Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2019 – 2020, Vinasoy trồng 300 – 500ha đậu nành. Với những dòng đậu nành do Vinasoy nghiên cứu phát triển sẽ giúp nhà máy đa dạng sản phẩm từ đậu nành, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, đồng thời tạo nên sự khác biệt trong cạnh tranh để Vinasoy giữ vững thị phần sữa đậu nành (hiện chiếm hơn 80% trên thị trường), tiến đến mục tiêu chiến lược đạt 1 tỷ USD trong tương lai.
Bài, ảnh: BẢO HÒA