(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn hiện nay, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ được đánh giá là có nhiều lợi thế để phát triển. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tổ chức sản xuất để tăng quy mô, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chăn nuôi còn nhỏ lẻ
Tỷ lệ thịt heo hiện chiếm trên 70%, còn thịt gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 8,6% tổng sản lượng thịt các loại trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp, gia súc ăn cỏ được xem là đối tượng giúp cân bằng sản lượng thịt, nhằm phục vụ cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, tăng đàn gia súc ăn cỏ đang được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cân nhắc.
Gia súc ăn cỏ như trâu, bò... được xem là đối tượng có nhiều tiềm năng phát triển trong giai đoạn hiện nay. |
Trên địa bàn tỉnh, tổng đàn gia súc ăn cỏ hiện chỉ trên 350 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 79 nghìn tấn (tính chung giữa thịt heo và gia súc ăn cỏ). Năm 2018, tổng đàn và sản lượng thịt hơi có tăng nhẹ so với năm 2017, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh. Do ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ còn nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến sản xuất hàng hóa, nên khó áp dụng công nghệ tiên tiến, cũng như chưa kiểm soát hiệu quả vấn đề dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Vì vậy, năng suất và giá thành sản phẩm gia súc ăn cỏ bấp bênh...
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện Dự án “Cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2014 - 2018”, góp phần tăng tỷ lệ bò lai trong tổng đàn đạt 70,6%, tăng sản lượng và chất lượng thịt bò đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo đà phát triển chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hoá. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tập trung phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng quy mô vừa và tập trung, thay thế chăn nuôi hộ gia đình, đặc biệt ưu tiên hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa.
Hướng đến mô hình trang trại
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư và liên kết chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Nguyên nhân một phần là do nguồn vốn đầu tư lớn, mặt khác diện tích chăn nuôi gia súc ăn cỏ lớn, trong khi chưa có nhiều địa phương thực hiện việc quy hoạch đất phục vụ chăn nuôi. “Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cần các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, nguồn vốn đủ sức hấp dẫn, tạo điều kiện cho DN liên kết với các hộ chăn nuôi hướng đến sản xuất hàng hóa. Trong đó, các DN đóng vai trò làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, hội, hiệp hội ngành hàng cũng như chú trọng việc xây dựng các thương hiệu”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ đề xuất.
Ngoài ra, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng; kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn bệnh lây lan; kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật, bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
Tuy có nhiều cơ hội, nhưng việc phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, chủ yếu tập trung vào lợi thế xuất khẩu sữa và các sản phẩm thịt nông sản đặc sản; chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ phải gắn với chế biến đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm thịt, đảm bảo cân bằng ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.
Bài, ảnh: THANH PHONG