Mạnh tay xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

09:07, 11/07/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Từ ngày 5.7.2019, Nghị định mới của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản chính thức có hiệu lực. Mức phạt tiền một hành vi vi phạm đối với cá nhân tối đa là 1 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với quy định cũ và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Chế tài mạnh
 
Ngày 16.5.2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 42 thay thế Nghị định 103 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Nghị định 42 chính thức có hiệu lực từ ngày 5.7.2019.
 
Nghị định 42 quy định cụ thể các hành vi mới phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017; các hành vi vi phạm quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
 
Nghị định 42 được xem là chế tài mạnh, góp phần giải quyết căn bản về chống khai thác IUU. Mức phạt tiền một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với cá nhân tối đa 1 tỷ đồng (tăng gấp 10 lần so với Nghị định 103) và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. 
 
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 300 đến 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
 
 
Từ ngày 5.7.2019, vi phạm trong lĩnh  vực thủy sản sẽ bị xử phạt với mức tiền rất cao.
 
Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản từ tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, giấy phép hết hạn hoặc hỗ trợ hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển thủy sản cho tàu được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng…
 
Phạt tiền từ 500 đến 700 triệu đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần…
 
Phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
 
Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn…
 
Nghị định 42 cũng quy định mức xử phạt chi tiết với các hành vi không báo cáo và khai thác không theo quy định; vi phạm về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; vi phạm quy định về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá; vi phạm quy định về quản lý cảng cá…
 
Phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm
 
Hiện nay, do bất cập trong quản lý tàu cá nên xảy ra tình trạng đánh bắt tràn lan. Việc khai thác bất hợp pháp, không theo quy định quốc tế nên EC phạt “thẻ vàng” thủy sản Việt Nam. Nếu không đáp ứng các yêu cầu của EC, thủy sản Việt Nam sẽ bị rút thẻ đỏ, đồng nghĩa toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản vào EU sẽ bị cấm.
 
 
Việt Nam đang hướng đến phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm
 
Vì thế, việc ban hành Nghị định 42 với mức xử phạt tiền rất cao và kèm theo các hình thức phạt bổ sung rất nghiêm khắc cho thấy quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam xây dựng và phát triển nghề cá bền vừng, có trách nhiệm.
 
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) Lê Văn Sơn cho rằng, với thực trạng khai thác nghề cá hiện nay, áp dụng mức xử phạt theo Nghị định 42 là hợp lý, đánh vào kinh tế để ngư dân chấp hành luật, đánh bắt hợp pháp, bền vững và trách nhiệm.
 
Ngay sau khi Nghị định 42 được ban hành, ngành nông nghiệp, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đưa luật đến ngư dân. Đa số ngư dân cùng đồng tình với việc mạnh tay xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản.
 
Phó Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn), ông Bùi Hồng Vân cho biết, xã Bình Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng đối thoại, tuyên truyền trực tiếp với ngư dân, chủ tàu. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của bà con trong việc hành nghề hợp pháp theo quy định.
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 

.