Nỗ lực bảo đảm môi trường tại các cảng cá

04:07, 10/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ tập trung kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, mà công tác bảo đảm môi trường tại các cảng cá cũng được các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan chú trọng, vì đây là một trong những nội dung mà Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ giám sát, để quyết định có gỡ bỏ “thẻ vàng” hay không.

TIN LIÊN QUAN

Sau khi xuất bán xong sản phẩm tại cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), ngư dân Nguyễn Tấn Tư, xã Bình Châu (Bình Sơn) tập trung vệ sinh tàu, nhất là hầm bảo quản hải sản. “Nội tạng cá hoặc hải sản bị hư hỏng cho vào túi đựng riêng, mang lên bờ xử lý; rác thải sinh hoạt thì bỏ vào các thùng đặt tại cảng cá; dầu nhờn cũng được thu gom riêng. Riêng nước thải thì xả trực tiếp ra biển”, ông Tư cho biết.

 Tại các cảng cá, nước thải chưa được thu gom, mà chảy tràn ra sàn hoặc xả trực tiếp ra biển.
Tại các cảng cá, nước thải chưa được thu gom, mà chảy tràn ra sàn hoặc xả trực tiếp ra biển.


Trong khi đó, nhân viên cơ sở thu mua và chế biến hải sản Thu Lan, xã Bình Châu cũng vừa chuyển nguyên liệu; vừa thu gom chất thải, nước thải và tập kết đúng nơi quy định. “Chúng tôi đã ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường trong quá trình thu mua, vận chuyển hải sản. Vì vậy, khi tàu thuyền cập vào bán sản phẩm sẽ bỏ rác thải sinh hoạt, nội tạng thủy sản tại địa điểm tập trung rác thải của cơ sở, sau đó chúng tôi sẽ đưa đến nơi xử lý”, Chủ cơ sở thu mua và chế biến hải sản Thu Lan chia sẻ.

Tại cảng cá Tịnh Kỳ, nước thải trong quá trình vệ sinh tàu thuyền, tẩy rửa thủy sản sẽ được thu gom, dẫn về khu xử lý nước thải tập trung của Ban quản lý (BQL) cảng cá trước khi được xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi, các cơ sở sơ chế và chế biến thủy sản xả thải trực tiếp ra biển vẫn còn.

“Đối với một số cơ sở sơ chế và chế biến thủy sản chưa kết nối với khu xử lý nước thải chung của BQL cảng cá, chúng tôi xây dựng mương dẫn nước thải; đồng thời đôn đốc chủ cơ sở thường xuyên thu gom rác thải, khơi thông mương dẫn nước, để tránh tình trạng tồn đọng nước thải, đảm bảo môi trường chung của cảng cá”, Giám đốc BQL các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết.

Đối với cảng cá Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), vẫn còn xảy ra tình trạng người dân và các cơ sở sơ chế và chế biến thủy sản vứt rác, xả thải ra âu thuyền. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, BQL các cảng cá tỉnh cũng thành lập tổ vệ sinh môi trường để đôn đốc, nhắc nhở ngư dân và các sơ sở chế biến thủy sản chấp hành việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải. Đồng thời, hợp đồng với các đơn vị khác tổ chức thu gom, dọn vệ sinh, xịt rửa cầu cảng và nạo vét cống dẫn nước thải hằng ngày, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh.

Mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, báo cáo cụ thể thực trạng cơ sở hạ tầng của các cảng cá; trong đó có vấn đề môi trường, để có hướng giải quyết phù hợp. Đồng thời yêu cầu BQL các cảng cá tỉnh tăng cường thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của EC.

Bài, ảnh: THANH PHONG


.