(Baoquangngai.vn)- Dám nghĩ, dám làm, chủ động nghiên cứu thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Nguyễn Xuân Tấn, 63 tuổi, ở thôn 4, xã Đức Chánh (Mộ Đức) đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương từ nghề trồng hồ tiêu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khó khăn dẫn đến thành công
Xuất thân từ gia đình thuần nông và sinh ra trên mảnh đất khô cằn, khí hậu không thuận tiện cho việc làm nông nghiệp nên ông Tấn phải bôn ba khắp nơi, làm đủ nghề để duy trì cho cuộc sống mưu sinh của gia đình.
Sau khoảng thời gian dài, ông nhận thấy có làm gì và làm ở đâu cũng không bằng làm chính trên mảnh đất quê hương của mình, ông quyết định trở về quê phát triển nông nghiệp.
Với diện tích khoảng 5 sào, ông trồng đậu, củ từ nhưng không phát triển và không mang lại năng suất cao. Sau khi được bạn bè, khuyến nông xã tư vấn, ông quyết định tập trung vốn và số đất mình đang sở hữu vào hồ tiêu.
|
Ông Tấn bên diện tích hồ tiêu trồng trên đất cát của gia đình.
|
Với số vốn ban đầu khá ít ỏi và không được gia đình ủng hộ nhiều, ông lo sợ sẽ không thành công. Ông đã tự lên Gia Lai để xin cây giống mang về trồng. Đồng thời, cứ ở đâu có lớp tập huấn, ông chủ động đến học hỏi kinh nghiệm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc cây. Sau đó, ông gây dựng 300 trụ tiêu trên đất đỏ. “Đất không phụ người”, hồ tiêu đã sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, cho năng suất cao.
Mùa thu hoạch tiêu kéo dài từ tháng 4 đến gần cuối tháng 7, thị trường tiêu thụ của ông chủ yếu là ở Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Bình quân một năm, ông thu hoạch khoảng 1 tấn đến 1,5 tấn/năm, trừ chi phí ông mang về cho gia đình khoảng 50 đến 60triệu/năm. Nếu như nghề chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản đủ để gia đình đắp đổi qua ngày, thì lợi nhuận từ trồng hồ tiêu đã mang đến cho gia đình một khoản tiền tiết kiệm đáng kể.
Thử nghiệm hồ tiêu trên đất cát
Sau khi trồng hồ tiêu trên đất đỏ thành công, ông Tấn mạnh dạn thử nghiệm trồng hồ tiêu trên đất cát, mở rộng thêm 350 trụ tiêu. Theo ông, trồng tiêu trên đất cát là cả một quá trình dài vì trồng trên đất cát sẽ bị trụt và không giữ ẩm được lâu nên lượng nước cần cho cây gần như gấp đôi trên đất đỏ. Tuy vậy, hiệu quả mà cây tiêu trên đất cát đem lại là hạt tiêu chắc hơn, nặng kí hơn và tinh bột trong tiêu nhiều hơn.
|
Sản phẩm tiêu của ông Tấn nói không với thuốc bảo vệ thực vật.
|
Với tổng gần 700 trụ tiêu trên đất cát và đất đỏ, ông đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động, nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình trồng tiêu của ông khác với những hộ trồng tiêu còn lại là cho dây tiêu leo lên thân cây chim chim và cây gòn thay cho trụ bê tông.
Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, ông còn nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cho bà con, đặc biệt là thanh niên địa phương, nếu ai có nhu cầu học hỏi về nghề trồng hồ tiêu.
Với những thành quả mà ông đạt được, Bí thư xã Đức Chánh Đoàn Văn Bảy cho biết, toàn xã có hơn 20 hộ trồng tiêu, với tổng diện tích toàn xã là 20ha, thì hộ ông Tấn là hộ đầu tiên tiên phong trong mô hình trồng hồ tiêu trên đất cát, mô hình có sự đầu tư về kỹ thuật, có tâm huyết nên sinh trưởng, phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao. Sắp đến xã đang định hướng thành lập tổ hợp tác trồng tiêu Hàm An để nâng cao chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.
Năng động, ham học hỏi, ông Tấn đã vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu. Ước mơ trong tương lai của ông là giá tiêu ổn định để có thể mở rộng thêm diện tích trồng hồ tiêu và trang bị thêm cho hồ tiêu máy tưới hiện đại hơn, nhằm đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt nhất, đảm bảo uy tín, chất lượng. Đây là tấm gương điển hình nông dân nỗ lực phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương, mạnh dạn đầu tư và kinh doanh hiệu quả.
Bài, ảnh: Oanh Phạm