(Báo Quảng Ngãi)- Sản xuất thực phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang được nông dân các địa phương trong tỉnh hưởng ứng, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cả người sản xuất, tiêu dùng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nông dân phải kiên nhẫn
“Trồng rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của, nhưng đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất. Cộng với sản phẩm đáp ứng các tiêu chí ATTP, chất lượng cao hơn, nên giá trị kinh tế cũng cao hơn so với sản phẩm sản xuất theo phương thức truyền thống”, bà Nguyễn Thị Thúy, ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
Dùng lưới ngăn côn trùng hay dọn cỏ bằng phương pháp thủ công ngày càng được nhiều nông dân áp dụng. |
Trồng rau sạch, theo phương thức VietGAP, đòi hỏi nông dân phải kiên nhẫn và thuần thục các công đoạn sản xuất, từ làm đất, chọn giống, đến việc lựa chọn thuốc sinh học, hoặc chế tạo men vi sinh để phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất, trong đó có việc ghi nhật ký. “Đây là việc không khó, nhưng nông dân lại dễ quên, thậm chí cho rằng, đó là việc “không quan trọng”. Trong khi đó, nhật ký sản xuất phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, lại quyết định đến đầu ra của sản phẩm”, bà Thúy cho biết.
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở các xã Bình Thới (Bình Sơn), Đức Hiệp (Mộ Đức) đã tổ chức sản xuất rau, quả sạch theo hướng VietGAP. “Bước đầu, hướng sản xuất này đã thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của nông dân. Đặc biệt, việc “nói không” với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không chỉ đảm bảo sức khỏe cho chính người sản xuất, mà còn nâng cao giá trị sản phẩm”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) Phạm Bá nhấn mạnh.
Không để "vàng thau lẫn lộn"
Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm rau, quả được sản xuất theo hướng VietGAP chưa được chính thức “lên kệ” ở các siêu thị uy tín. Nguyên nhân là do người sản xuất chưa quan tâm đến việc đăng ký mã vạch, bao bì, mẫu mã, cũng như chưa được các cơ quan chức năng xác nhận các tiêu chí đảm bảo ATTP... Hơn nữa, sản phẩm VietGAP vẫn “chung kệ” với các loại thường, nhưng giá lại cao hơn, nên người tiêu dùng nghi ngại và lo lắng “vàng thau lẫn lộn”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố đất đai, nguồn nước, không khí tại nơi sản xuất. Hơn nữa, việc kiểm tra và công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đảm nhận, tốn khá nhiều thời gian và chi phí, nên nông dân còn e ngại! Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân, đơn vị trong việc thực hiện các thủ tục, để được kiểm tra và công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực TP.Quảng Ngãi hiện có khá nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng rau, quả sạch, với giá bán cao hơn rất nhiều so với ở chợ. Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, một số cửa hàng không cung cấp được hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan chuyên môn cũng không giám sát được hoạt động, cũng như các mặt hàng được bày bán.
Chính vì vậy, để phong trào sản xuất “xanh” được lan tỏa, ngành chức năng phải có giải pháp chấn chỉnh việc kinh doanh, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.
Bài, ảnh: MỸ HOA