TIN LIÊN QUAN |
---|
Toàn tỉnh có 64 chiếc “tàu 67” được đóng mới đưa vào sử dụng, trong đó có 52 tàu vỏ gỗ, 11 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ composite.
Tàu vỏ thép... bất động
“Tàu to, nhưng vì thời gian nằm bờ nhiều hơn vươn khơi, nên ngày càng hư hỏng, xuống cấp”, ngư dân Võ Văn Hân, ở xã Bình Đông (Bình Sơn), cho hay. Năm 2015, ông Hân là một trong những ngư dân đầu tiên được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu vỏ sắt theo Nghị định 67. Đầu năm 2016, tàu vỏ thép Biển Đông 1, công suất 811CV hạ thủy trong niềm vui và kỳ vọng của gia đình ông Hân.
Liên tục bị trục trặc, nên chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Võ Văn Hân, ở xã Bình Đông (Bình Sơn) có thời gian nằm bờ nhiều hơn vươn khơi. |
Chiếc tàu có tổng giá trị đầu tư gần 14 tỷ đồng (trong đó Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Quảng Ngãi cho vay trên 13,2 tỷ đồng), được trang bị nhiều thiết bị hàng hải, ngư cụ, hầm bảo quản hải sản hiện đại... Những tưởng như thế, sẽ giúp ông Hân nâng cao sản lượng và chất lượng hải sản, sớm hoàn trả nợ cho ngân hàng.
Thế nhưng, khi đưa vào khai thác, chiếc tàu liên tục gặp sự cố ở bộ phận máy lưới kéo và bộ phận làm mát bị hỏng. “Từ tháng 5.2018, tàu liên tục nằm bờ vì bị trục trặc, cứ sửa chỗ này lại hỏng chỗ khác, khiến gia đình ngày càng khánh kiệt, vì không có thu nhập mà vẫn phải trả nợ cho ngân hàng”, ông Hân bộc bạch.
Trong khi đó, chiếc tàu vỏ sắt của ngư dân Nguyễn Thanh Hồng, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng đã neo bờ cả tháng nay. Nhìn chiếc tàu công suất 803CV, trị giá gần 17 tỷ đồng, nhưng lại nằm “bất động”, ông Hồng cho biết: “Thời điểm này, lẽ ra tàu đang vươn khơi, chứ không phải... nằm bờ thế này, nhưng tàu hư, bạn tàu không có, đành phải nằm bờ”. Chiếc tàu vỏ thép của ông Hồng hạ thủy vào tháng 8.2016, thời gian đầu làm ăn cũng hiệu quả, có phiên biển lãi hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, phiên biển nào cũng lỗ tổn.
Bên cạnh đó, tàu vỏ thép cần được duy tu, sửa chữa hằng năm, chi phí thực hiện rất lớn. Song sau 4 năm, chính sách hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 17) vẫn chưa được thực thi, khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay vòng vốn đầu tư, nhiều chủ tàu không thực hiện được việc trả nợ cho ngân hàng.
Mong được... giải cứu
Nghị định 67 được xem là “phao cứu sinh” cho những ngư dân thực sự muốn vươn khơi, nhưng hạn chế về nguồn lực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại phát sinh nhiều bất cập, nhất là nợ xấu có xu hướng tăng nhanh. Ngoài lý do khách quan là nguồn lợi hải sản suy giảm, thời tiết diễn biến bất thường, vẫn còn tình trạng ngư dân cho rằng đây là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nên chây ỳ, thiếu trách nhiệm trả nợ ngân hàng.
Thậm chí, một số ngư dân vẫn đang khai thác, có các nguồn thu khác, nhưng không trả nợ, khiến hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. “Ngân hàng rất thiện chí, nhưng ngư dân không hợp tác, nên buộc các ngân hàng phải khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật”, Giám đốc BIDV- Chi nhánh Quảng Ngãi Nguyễn Thành Phước cho biết.
Không chỉ đơn vị trên, mà một số ngân hàng cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh cũng đang cân nhắc khởi kiện những chủ “tàu 67”. Dù vậy, theo lãnh đạo các ngân hàng, khởi kiện cũng chỉ là giải pháp cuối cùng. Về lâu dài, để hạn chế tình trạng phát sinh nợ xấu, hoặc khởi kiện ngư dân, Chính phủ và tỉnh cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho cả ngân hàng và ngư dân.
Trong đó, việc chia sẻ thông tin về hành trình hoạt động của tàu, thời gian xuất bến và cập bến, sản lượng khai thác, giá bán sản phẩm... của các chủ tàu, để ngân hàng có điều kiện quản lý tốt nguồn thu. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, để ngư dân hiểu đúng quyền lợi và trách nhiệm khi vay vốn đóng mới tàu cá.