(Báo Quảng Ngãi)- Ở tuổi 38, ngư dân Nguyễn Văn Tình, xã Phổ Châu (Đức Phổ) đã chỉ huy và dẫn dắt 5 chiếc tàu có tổng công suất trên 3.500CV hoạt động rất hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Gia đình có truyền thống đi biển, nên từ nhỏ, tôi đã trở thành bạn tàu của cha mình. Điều này giúp tôi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, để quản lý và phát triển nghề biển của cha ông để lại”, ngư dân Nguyễn Văn Tình bộc bạch.
Nhờ kinh nghiệm và tâm huyết với nghề biển mà từ “của hồi môn” là 3 chiếc tàu công suất nhỏ, chỉ sau 5 năm, anh Tình đã phát triển thành đội tàu 9 chiếc, trở thành người sở hữu nhiều tàu nhất tỉnh vào thời điểm cuối năm 2016. Tuy nhiên, do số lượng tàu lớn, nên việc quản lý khó khăn; cộng với công suất mỗi chiếc tàu chỉ ở mức trung bình (300-400CV/chiếc), nên hiệu quả hoạt động không cao. Vì vậy, giai đoạn 2017 – 2018, anh Tình quyết định giảm đội tàu còn 5 chiếc, nhưng công suất mỗi chiếc tàu được nâng lên trên 700CV, được trang bị các loại máy móc, thiết bị hiện đại.
Một trong 5 chiếc tàu của anh Tình cập cảng để xuất bán sản phẩm. |
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của 5 chiếc tàu, anh Tình đã giao cho những ngư dân mà anh tin cậy làm thuyền trưởng và quản lý. Tiêu chuẩn chọn thuyền trưởng cho các tàu cá của anh Tình không dựa vào quan hệ họ hàng, mà là sự tâm huyết với nghề, trách nhiệm quản lý và hiệu quả công việc. Các thuyền trưởng được giao việc tuyển chọn thuyền viên và sắm tổn.
Còn các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, liên hệ thương lái để bán sản phẩm; lựa chọn tàu nào xuất bến, tàu nào cập bến và cập ở cảng cá nào, nhận tổn ở đâu... đều do anh Tình quyết định. Bên cạnh đó, việc giám sát và theo dõi hành trình khai thác hải sản của các tàu cũng được anh Tình thực hiện theo cách “chẳng giống ai”.
Trong khi nhiều người cài đặt phần mềm định vị, hoặc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu, thì anh Tình chỉ... gọi điện thoại hỏi thăm thuyền trưởng! “Trước khi tham gia vào đội tàu, anh em thuyền viên đều xác định là phải tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản. Vì vậy, mình chỉ nhắc nhở, chứ không kiểm tra hay theo dõi”, anh Tình lý giải.
Để tạo mối gắn kết bền chặt, anh Tình còn thường xuyên xuất tiền giúp đỡ anh em bạn tàu. Từ thuyền trưởng đến thuyền viên, ai có việc cần tiền gấp, anh Tình đều cho mượn mà không tính lãi. Cứ quay vòng, người này đến kỳ hạn hoàn trả thì đến phiên người khác. “Mình xem thuyền viên như anh em ruột thịt trong nhà và luôn tôn trọng, chia sẻ lợi ích cho anh em, nên họ luôn gắn bó với mình, kể cả những lúc khó khăn”, anh Tình thổ lộ.
Vì vậy, dù mỗi chiếc tàu vươn khơi với 8-10 lao động, nhưng các thuyền viên luôn đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ nhau, nên hiệu quả khai thác hải sản được nâng cao, giúp cả chủ tàu và thuyền viên đều có thu nhập khá.
Chính vì vậy, gần 50 lao động trên 5 tàu cá của anh Tình luôn gắn bó, không xảy ra tình trạng “nhảy tàu”. “Anh em chúng tôi đều xuất thân nghèo khó, nhờ anh Tình tin cậy, giao việc mà cuộc sống giờ khấm khá hơn. Anh em tụi tôi trong đội tàu ai cũng nể phục anh Tình và kính trọng gia đình anh ấy”, thuyền viên Nguyễn Văn Lý, xã Phổ Châu cho biết.
Nhờ có sự gắn kết, tin cậy như vậy, nên dù chỉ trực tiếp làm thuyền trưởng trên một chiếc tàu, anh Tình và gia đình vẫn nắm cụ thể và chi tiết hành trình di chuyển, sản lượng, loại thủy sản, phẩm cấp sản phẩm... của 4 chiếc tàu còn lại. Điều này giúp anh Tình chủ động trong việc tiêu thụ; nhất là vấn đề chào hàng, đàm phán giá với thương lái và doanh nghiệp kinh doanh thủy sản trong và ngoài tỉnh, nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, cải thiện thu nhập cho thuyền viên.
Bài, ảnh: MỸ HOA