(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới, nhằm mục đích tìm ra sản phẩm riêng của từng địa phương để phát triển, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không nên áp đặt, chạy theo phong trào, vì thực tế nhiều xã cũng chỉ có một sản phẩm chung.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chưa đặc trưng
Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Xã Hành Trung (Nghĩa Hành) chọn sản phẩm bánh tráng tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". |
Trên thực tế, từ khi tỉnh triển khai chương trình OCOP, các địa phương đã nhanh chóng “bắt nhịp”, chọn ra một sản phẩm đặc trưng của từng xã để tham gia. Qua đó, đã có rất nhiều sản phẩm trên toàn tỉnh được đưa ra trưng bày, quảng bá. Đặc biệt có địa phương còn tổ chức cả một sự kiện lớn để quảng bá sản phẩm như: Lễ hội dưa hấu (Bình Sơn), Lễ hội ngày mùa (Mộ Đức). Tại đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được các xã đem đến giới thiệu, bày bán như dưa hấu xã Bình An, nén Bình Phú, chanh thơm Bình Thanh Đông...
Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, các sản phẩm này vẫn còn mang tính chất chung chung, chưa thật sự đặc trưng để tạo ra điểm khác biệt so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, có một số xã chọn sản phẩm chỉ mang tính chất “tự phát”, chưa tính đến khả năng phát triển lâu dài, cũng như cơ hội kết nối đưa sản phẩm ra thị trường lớn, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ở địa phương khác, nhất là nhóm hàng hóa thực phẩm như bánh, kẹo và một số cây trồng ăn trái.
"Sản phẩm liên xã"
Tham gia vào Đề án OCOP, huyện Trà Bồng cũng đã triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cho các địa phương trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, sau khi rà soát, lấy ý kiến, hầu hết các xã đều lựa chọn cây quế để làm sản phẩm OCOP cho địa phương. Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc cho biết: “Về phía huyện, thấy lựa chọn của các xã là hợp lý. Bởi Đề án OCOP là cần thiết, nhưng không nên chạy theo phong trào, bắt buộc xã nào cũng phải có một sản phẩm riêng. Cái cốt lõi là phải nâng cao được giá trị của sản phẩm, ổn định đầu ra, đem lại thu nhập cho người dân”.
Lý giải về điều này, ông Bắc cho rằng: Trà Bồng là huyện miền núi, khí hậu, thổ nhưỡng chỉ phù hợp với cây quế. Trong khi đó, Trà Bồng cũng đang thực hiện đề án vùng nguyên liệu quế, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại cây trồng “truyền thống” đã có “thương hiệu” này. Vì vậy, đồng hành với Chương trình OCOP sẽ là cơ hội để đa dạng hóa các sản phẩm quế, hạn chế bán sản phẩm thô với giá thấp, góp phần nâng tầm giá trị của cây quế, nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng cao.
Hiện nay, nhiều huyện miền núi trong tỉnh cũng chọn chung sản phẩm đặc trưng, như Sơn Tây với cây cau, Minh Long chọn cây chè... vì đây là các loại cây trồng chính, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Song, để các sản phẩm trên trở thành cây kinh tế chủ lực, tạo công ăn việc làm và có “thương hiệu” trên thị trường, thì rất cần sự nỗ lực của người dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất, sự vào cuộc của các nhà khoa học, với sự chỉ đạo, hỗ trợ, dẫn dắt của chính quyền và ngành chức năng.
Mục tiêu của OCOP không phải là phong trào mà là một chương trình kinh tế, sản xuất các sản phẩm cụ thể, để quảng bá thương hiệu của nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng ít người biết tới để đưa ra thị trường lớn hơn. Do đó, trong quá trình lựa chọn, các địa phương cần cân nhắc, nhằm tạo ra một sản phẩm đặc trưng thật sự của từng xã, hoặc “sản phẩm liên xã”, nhưng hiệu quả, thay vì lựa chọn tràn lan với tiêu chí “chỉ để cho có”.
Bài, ảnh: HỒNG HOA