(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử (TMĐT), song kết quả mang lại trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực hiện Kế hoạch phát triển TMĐTcủa tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, hạ tầng TMĐT của Quảng Ngãi đã có bước cải thiện đáng kể. Hiện tại, có 70% doanh nghiệp (DN) tiến hành giao dịch điện tử với người tiêu dùng; 100% DN dùng thư điện tử trao đổi và 50% DN dùng website mua, bán các sản phẩm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Quản trị, điều hành Cổng thương mại điện tử tại Sở Công thương. |
Về ứng dụng TMĐT trong DN, hiện có 70% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ và quảng bá sản phẩm; 60% siêu thị, trung tâm thương mại cho phép DN ứng dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt. Riêng về ứng dụng TMĐT trong cơ quan nhà nước, hiện đã cung cấp 240 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người tiêu dùng trên hệ thống một cửa ở mức độ 3 và 4.
"Thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung tăng cường công tác truyền thông, tích cực phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn DN đầu tư hạ tầng và ứng dụng TMĐT. Tỉnh ưu tiên nâng cấp cổng TMĐT Quảng Ngãi thành sàn giao dịch TMĐT; bố trí kinh phí và mở rộng đối tượng được hỗ trợ đầu tư TMĐT đến các DN, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất... để quảng bá sản phẩm địa phương, nhất là nông sản, đặc sản Quảng Ngãi". Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH |
Tổng kinh phí đầu tư phát triển TMĐT từ năm 2016 đến nay gần 1,7 tỷ đồng (kinh phí TMĐT quốc gia 500 triệu đồng, kinh phí địa phương gần 1,2 tỷ đồng), nhằm phục vụ tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về TMĐT, đào tạo kỹ năng về TMĐT cho DN; khảo sát, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho 300 DN; hỗ trợ 30 DN ứng dụng TMĐT; duy trì sàn giao dịch TMĐT... Trong năm 2018, tỉnh hỗ trợ 10 DN ứng dụng marketing trực tuyến trên Googel adwords. Hiện nay, cổng TMĐT có hơn 150 DN trong nước là thành viên, quảng bá giới thiệu hơn 150 sản phẩm, trong đó Quảng Ngãi có 50 sản phẩm.
Qua đánh giá, UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua việc ứng dụng TMĐT chưa khai thác hết tiềm năng, lợi ích có thể mang lại cho DN và cộng đồng. Việc bố trí kinh phí dành cho phát triển TMĐT quá ít so với kế hoạch được phê duyệt. Công tác tập huấn kiến thức TMĐT cho DN chưa được chú trọng, mỗi năm chỉ khoảng 100 DN được tập huấn kiến thức, trong khi toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 DN đang hoạt động. Nhiều DN hiện vẫn chưa quan tâm đến ứng dụng TMĐT vào quảng bá giới thiệu sản phẩm...
Việc phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở vùng nông thôn hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc còn lạc hậu, sản xuất không ổn định, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, thiếu nguồn vốn đầu tư máy móc hiện đại, dẫn đến việc hỗ trợ ứng dụng TMĐT gặp khó khăn. Nhiều DN có điều kiện nhưng chưa nhìn nhận đầy đủ về hiệu quả ứng dụng TMĐT, nên chưa đầu tư thiết bị đúng tầm để triển khai các phương thức kinh doanh hiện đại để kết nối với khu vực và thế giới.
Cổng TMĐT của tỉnh mặc dù đi vào hoạt động từ năm 2016, nhưng mới tham gia quảng bá thông tin cho DN, thông tin về sản phẩm; chưa thực sự là một công cụ hoàn thiện cho giao dịch trực tuyến. Mục tiêu quan trọng của TMĐT là thanh toán trực tuyến, nhưng chưa được tích hợp; chức năng trình bày thông tin ở trang chủ còn sơ sài, không linh động; biện pháp quản trị gian hàng riêng còn phức tạp, chưa thực tế; trình bày sản phẩm chưa logic, sơ sài và khó thao tác trong tìm kiếm...
Bài, ảnh: TẤN PHÁT