Sử dụng xung điện khai thác hải sản: Cần được chấn chỉnh

02:04, 25/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, một số ngư dân ở tỉnh ta hành nghề lặn đã sử dụng xung điện trong khai thác hải sản... Thực trạng trên không những gây nguy hiểm cho ngư dân khi hành nghề, mà còn làm hủy hoại môi trường biển.

TIN LIÊN QUAN

Theo những thợ lặn cao niên ở xã Bình Châu (Bình Sơn), những năm trước, phương tiện và dụng cụ hỗ trợ cho thợ lặn còn sơ sài. Thợ lặn mặc đồ người nhái để chống lạnh, đeo kính lặn để bảo vệ mắt, ngậm ống hơi để thở, xung quanh người được quấn dây chì... để lặn bắt các loại hải sản có kích cỡ lớn, chủ yếu là sò, ốc. Chính vì vậy, thợ lặn thường làm việc cho các ghe, tàu nhỏ và đi theo nhóm từ 5 – 7 người...

Hiện nay, hiếm có thợ lặn sử dụng
Hiện nay, hiếm có thợ lặn sử dụng "đồ nghề" truyền thống để khai thác hải sản, mà chuyển sang dùng xung điện. (Ảnh minh họa)


Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi nghề khai thác hải sản phát triển mạnh, cộng với các sản phẩm lặn được thị trường tiêu thụ mạnh, nhiều chủ tàu đầu tư đóng tàu công suất lớn và sắm phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho thợ lặn. Đặc biệt, ngoài vợt và cào sắt, “đồ nghề” không thể thiếu của phần lớn thợ lặn hiện nay là que chích điện!

“Sau khi lặn xác định vị trí dưới đáy biển, tôi cắm 2 que xung điện xuống để cho các loài sò, ốc nổi lên. Sau đó, tôi chỉ việc nhặt chúng bỏ vào túi”, thợ lặn N.T.H, ở xã Bình Châu cho biết. Theo ông H, từ khi sử dụng xung điện, sản lượng hải sản bắt được cao gấp 2 – 3 lần so với trước, nên thu nhập của thợ lặn cũng tăng đáng kể. Chính vì vậy, phần lớn thợ lặn ở xã Bình Châu hiện nay đều sử dụng xung điện, hiếm khi dùng vợt và cào sắt như trước.

“Nghị định 103 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản hiện đã hết hiệu lực, nên từ đầu năm đến nay, dù phát hiện một số trường hợp ngư dân vi phạm sử dụng phương tiện và ngư cụ, máy móc trong khai thác hải sản nói chung, nghề lặn nói riêng, nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ nhắc nhở, chứ không có cơ sở để xử lý”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh PHÙNG ĐÌNH TOÀN


Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thợ lặn sử dụng xung điện là do “học” được từ bạn lặn ở các tỉnh. Để đặt mua xung điện phục vụ nghề lặn, các thợ lặn phải đặt hàng qua điện thoại, hoặc nhờ người quen, vì đề phòng bị lộ. Theo ông H, giá mỗi bộ đồ nghề cho thợ lặn từ 5 - 6 triệu đồng/bộ; nếu đặt mua ở tỉnh ngoài thì rẻ hơn, từ 4 -  4,5 triệu đồng/bộ.

Theo ngành chuyên môn, việc sử dụng xung điện trong khai thác hải sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của thợ lặn. Đã có nhiều trường hợp thợ lặn bị tàn phế, thậm chí tử vong, do bất cẩn trong sử dụng xung điện. Bên cạnh đó, việc sử dụng xung điện trong khai thác hải sản còn gây suy kiệt nguồn lợi hải sản. Bởi lẽ, dùng xung điện không những ảnh hưởng đến các loại hải sản kích cỡ lớn, mà dưới tác động của xung điện, trứng và các loại hải sản nhỏ cũng bị tiêu diệt...

Tuy nhiên, do nghề lặn mang lại thu nhập cao, nên nhiều người vẫn bất chấp rủi ro và khuyến cáo của ngành chức năng. “Chi cục Thủy sản và chính quyền các địa phương đã nhiều lần tuyên truyền và phổ biến cho ngư dân biết những tác hại của việc dùng xung điện trong quá trình khai thác hải sản nói chung, lặn nói riêng. Nhưng do mức xử phạt theo Nghị định 103 thấp, từ 5 – 10 triệu đồng, tùy theo máy tàu, trong khi thu nhập của thợ lặn cao gấp nhiều lần so với mức phạt trên, nên chưa đủ sức răn đe”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết.

Một khó khăn nữa là, các loại xung điện được thợ lặn sử dụng trong quá trình lặn bắt hải sản ngoài biển, nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện và bắt quả tang. Chính vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của ngư dân, giải pháp để hạn chế tình trạng ngư dân sử dụng xung điện trong khai thác hải sản là tăng mức xử phạt hành chính và kèm theo các chế tài xử lý khác.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.