Phấn đấu về đích huyện nông thôn mới

02:04, 09/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Tư Nghĩa đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí để trở thành huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2019. Đây  là kết quả nỗ lực, phấn đấu trong suốt 8 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện.

TIN LIÊN QUAN

Nỗ lực không ngừng

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho biết: "Đến nay, huyện Tư Nghĩa có 100% xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Huyện Tư Nghĩa cũng đạt 8/9 tiêu chí huyện NTM và phấn đấu đạt tiêu chí về môi trường trong thời gian đến, để cuối năm 2019 huyện về đích NTM”.

Diện mạo nông thôn mới ở huyện Tư Nghĩa.
Diện mạo nông thôn mới ở huyện Tư Nghĩa.


Để đạt kết quả trên, hơn 8 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tư Nghĩa đã nỗ lực không ngừng. Năm 2011, khi mới triển khai xây dựng NTM, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện chỉ đạt 4,3 tiêu chí, có những xã chỉ đạt 1 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân chỉ 10 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo chiếm 14%. Trước thực trạng đó, huyện Tư Nghĩa đã chọn Nghĩa Lâm làm xã điểm xây dựng NTM (đây cũng là xã điểm của tỉnh). Sau 4 năm triển khai đầu tư, năm 2015, xã Nghĩa Lâm đã về đích NTM.

Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, huyện Tư Nghĩa xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Vì thế, huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền để  nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, đưa kế hoạch xây dựng NTM vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể của huyện, trong đó phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM. Coi trọng việc phát huy nội lực của người dân và mỗi địa phương, đơn vị; đồng thời kết hợp có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung Nguyễn Đình Vinh cho hay: Đến năm 2017, xã Nghĩa Trung còn 4 tiêu chí quan trọng cần nguồn vốn để đầu tư thì mới về đích NTM theo kế hoạch. Do đó, cùng với nguồn vốn ngân sách, xã đã huy động nội lực và doanh nghiệp đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng 71 tuyến đường ngõ xóm; nhiều công trình thủy lợi, hệ thống điện và dồn điền đổi thửa 65ha ruộng lúa sản xuất 2 vụ trên/năm, đạt năng suất ổn định 65 tạ/ha. Nhờ đó, đến nay xã đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí của xã NTM.

Các thế chế văn hóa trên địa bàn huyện Tư Nghĩa được xây dựng hoàn thiện.
Các thế chế văn hóa trên địa bàn huyện Tư Nghĩa được xây dựng hoàn thiện.


Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành nhấn mạnh: Quá trình xây dựng NTM phải chú trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là người đứng đầu cấp xã, thôn. Mặt khác, mỗi địa phương phải căn cứ vào lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn việc nào làm trước, việc nào làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp. Đồng thời, việc huy động nguồn lực để xây dựng NTM phải theo phương châm: "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Với cách làm này, huyện Tư Nghĩa đã từng bước hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM và sẽ về đích trước 1 năm so với kế hoạch tỉnh giao.

"Nhờ xây dựng NTM mà hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Nếu năm 2011 toàn huyện có 14% hộ nghèo, thì nay chỉ còn trên 3%. Để giữ vững và nâng cao chất lượng NTM, huyện Tư Nghĩa sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí NTM, tiến đến xây dựng lộ trình đăng ký xây dựng khu dân cư kiểu mẫu".


Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa LÊ TRUNG THÀNH


Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc

Ở Tư Nghĩa bây giờ, đường giao thông đã bê tông về đến các khu dân cư. Các công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học đều được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân. Thông qua các chương trình dồn điền đổi thửa, áp dụng giống mới cùng các quy trình đầu tư thâm canh, nên năng suất lúa, hoa màu đạt kết quả cao, góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu nhập của người dân.

Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.


Theo đại diện Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tư Nghĩa, chỉ riêng năm 2018, toàn huyện đã đầu tư trên 192 tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học và nhà văn hóa thôn, sân vận động... Để có nguồn kinh phí đầu tư, ngoài ngân sách trung ương và tỉnh cấp (trên 87 tỷ đồng), huyện và các xã cũng đã đầu tư 37,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên 56 tỷ. Đặc biệt, huyện đã huy động nguồn lực trong dân đóng góp gần 23 tỷ đồng.

Từ xã miền núi Nghĩa Thọ, Nghĩa Sơn đến các xã khu đông của huyện như Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương... người dân đều tích cực hiến đất mở đường, xây dựng nhà văn hóa... Ông Nguyễn Huy, ở xã Nghĩa Hiệp chia sẻ: "Nhờ có đường bê tông mà việc đi lại, vận chuyển hàng hóa không còn vất vả như trước. Nhiều hộ đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhà cửa khang trang, góp phần làm cho diện mạo quê hương ngày càng đẹp hơn”.  

Trong năm 2018, huyện Tư Nghĩa đã xây dựng và hoàn thành một khu dân cư kiểu mẫu. Trong năm nay, huyện tiếp tục triển khai xây dựng thêm 6 khu dân cư, phấn đấu đến năm 2020 các xã trên địa bàn huyện đều có khu dân cư kiểu mẫu, tiến đến xây dựng xã NTM nâng cao.

Theo ông Lê Trung Thành, để đạt mục tiêu trên, bên cạnh nỗ lực của chính quyền huyện, xã, thì cũng cần có sự hợp sức của các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng NTM, nhất là đảm bảo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, trung ương để đầu tư phát triển sản xuất, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế- xã hội của huyện.


Bài, ảnh: M.HẠ






 


.