(Báo Quảng Ngãi)- Quy hoạch thủy sản giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ giảm dần số lượng tàu cá công suất nhỏ, khai thác ven bờ; tăng tàu công suất lớn, tiến tới phát triển nghề cá theo hướng hàng hóa, hiện đại. Thế nhưng, để thực hiện mục tiêu này, vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Quảng Ngãi hiện có 5.600 tàu cá (tổng công suất trên 1,7 triệu CV), trong đó tàu cá hoạt động vùng khơi trên 3.500 chiếc, vùng lộng và ven bờ có gần 2.100 chiếc. Dù số lượng tàu cá cơ bản đáp ứng theo quy hoạch của tỉnh, nhưng cơ cấu ngư trường và ngành nghề khai thác thì chưa đạt.
Đó là, số tàu thuyền khai thác vùng lộng và ven bờ vẫn còn cao, tàu hoạt động vùng khơi cũng chỉ có trên 1.500/3.500 chiếc được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện tham gia đánh bắt hải sản xa bờ, còn lại 2.000 chiếc chưa đáp ứng các điều kiện về ngành nghề khai thác, do hành nghề lặn và giã cào (lưới kéo).
Không có chính sách hỗ trợ phù hợp, thì mục tiêu giảm tàu khai thác hải sản ven bờ sẽ rất khó hoàn thành. |
Việc giảm tàu hoạt động ven bờ và tàu hành nghề lặn, giã cào được xem là một trong những thách thức lớn của ngành thủy sản. Mặc dù mục tiêu này đã được Luật Thủy sản 2017 quy định cụ thể, cũng như khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) thông qua các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU), nhằm chuyển đổi ý thức sản xuất của ngư dân, từ “nghề cá nhân dân” sang nghề cá có trách nhiệm, tuy nhiên, việc thực hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết ngư dân khai thác hải sản ven bờ có thu nhập bấp bênh, nên không đủ nguồn lực để nâng cấp, đóng mới tàu công suất lớn, trang thiết bị ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi xa.
Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát tàu thuyền; chú trọng thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá để hạn chế phát triển tàu khai thác thủy sản ven bờ, Chi cục Thủy sản cũng chỉ quản lý chặt việc cấp phép đóng mới tàu cá, số lượng tàu cá đã được chuyển nhượng; trong đó, không cấp giấy phép cho tàu hành nghề giã cào... “Song giải pháp căn cơ là nhà nước phải có chính sách hỗ trợ và phát triển sinh kế phù hợp, giúp ngư dân khai thác hải sản ven bờ mạnh dạn tham gia chuyển đổi nghề”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) Phùng Đình Toàn cho biết.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương để tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét thông qua chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các ngư dân có tàu khai thác hải sản gần bờ, tàu hành nghề giã cào...
Theo Chi cục Thủy sản, để ổn định số lượng tàu cá và tái cơ cấu ngành nghề khai thác hải sản của tỉnh theo quy hoạch, thì trước hết cần phải rà soát và thống kê cụ thể số lượng tàu cá hành nghề giã cào, tàu khai thác hải sản gần bờ, xa bờ mà chưa đăng ký, đăng kiểm để kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá.
Đối với những tàu hành nghề khai thác hải sản gần bờ, tàu thuyền không đúng thiết kế, hoặc hành nghề giã cào, tỉnh cần kiến nghị trung ương bố trí kinh phí hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, hoặc nâng cấp, đóng mới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và kiểm soát, đáp ứng các khuyến nghị của EC, để sớm được gỡ bỏ “thẻ vàng” thủy sản.
Bài, ảnh: MỸ HOA