Dự án đường và khu dân cư Chu Văn An: Trễ hẹn vì vướng mặt bằng

10:04, 10/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, dự án (DA) đường Chu Văn An và khu dân cư (KDC) đường Chu Văn An (TP.Quảng Ngãi) phải thông tuyến trong quý II/2019. Tuy nhiên, DA khó hoàn thành theo kế hoạch, do vướng mặt bằng.

TIN LIÊN QUAN

Dự án đường Chu Văn An nối dài và KDC đường Chu Văn An được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC) thực hiện nhằm chỉnh trang đô thị khu vực phía nam đường Hai Bà Trưng, tạo mạng lưới giao thông nối từ đường Hai Bà Trưng đến Hùng Vương và khu vực bờ bắc sông Trà Khúc. Theo đó, DA sử dụng diện tích khoảng 10,3ha. Riêng tuyến đường Chu Văn An dài 876m, nền đường có mặt cắt ngang 27m.

Nhiều vướng mắc

Theo kế hoạch, đến hết quý II/2019, QISC phải hoàn thành việc giải phóng mặt bằng (GPMB), thông tuyến đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Sỹ Liên. Tuy nhiên, công tác GPMB gặp rất nhiều khó khăn.

Giám đốc QISC Nguyễn Trung Quân cho biết: Đến nay, tiến độ GPMB đường Chu Văn An đạt khoảng 60% và đến hết quý II/2019 sẽ hoàn thành khoảng 80%. Khó khăn hiện nay là vướng mặt bằng đối với phần diện tích đất ở, bởi nhiều trường hợp chỉ đồng ý bàn giao phần đất làm công trình công cộng. Diện tích đất còn lại, họ không đồng ý bàn giao và yêu cầu giữ lại. Trong khi đó, chủ trương của DA là phải GPMB các hộ dân này, để lấy quỹ đất TĐC cho các hộ dân nằm trong diện phải GPMB trên các trục đường chính như Hùng Vương, Ngô Sỹ Liên, Hai Bà Trưng...

 Việc thi công đường Chu Văn An và khu dân cư gặp nhiều khó khăn do vướng mặt bằng.
Việc thi công đường Chu Văn An và khu dân cư gặp nhiều khó khăn do vướng mặt bằng.


“Các trường hợp này đã được vận động ba lần, nhưng vẫn không giải quyết được. Vì thế, hồ sơ chuyển cho TP.Quảng Ngãi để tổ chức kiểm đếm bắt buộc. Tuy nhiên, khi kiểm đếm người dân không hợp tác, nên khó khăn vô cùng. Đây là DA TĐC tại chỗ, nên phải thu hồi hết mới đủ đất để TĐC”, ông Quân cho biết.

Ngoài diện tích đất thổ cư, DA còn vướng hàng chục trường hợp người dân mua đất nông nghiệp từ nhiều năm trước đề xuất được mua suất TĐC. Trong khi đó theo quy định những hộ này không được TĐC, dẫn đến bất hợp tác với cơ quan thực hiện nhiệm vụ GPMB. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp thực hiện chuyển nhượng đất sau thông báo thu hồi đất. Theo quy định, tiền đền bù phải được chi trả cho chủ đất, song chủ đất không nhận tiền, bởi đất đã bán cho người khác.

Nhanh nhất đến 30.9.2019 mới thông tuyến

Tại nút giao đường Hai Bà Trưng, nhà thầu đã triển khai thi công phần nền đường, lắp đặt cống thoát nước. Trong khi đó, tại khu vực thu hồi đất xây dựng KDC, việc thi công đứt đoạn, do nơi đã hoàn thành GPMB, nơi thì vướng nhà dân, đất chưa thu hồi. Riêng khu vực nút giao với đường Ngô Sỹ Liên thì “đứng bánh”, vì nhà dân vẫn án ngữ.

Trao đổi với phóng viên, nhiều hộ dân cho rằng, họ sẵn sàng nhường đất cho DA, song phải có đất TĐC trên thực địa, chứ không phải trên giấy. Một số trường hợp thì cho rằng, dù là đất nông nghiệp, nhưng trước đây họ mua diện tích lớn và giá khá cao, nay đền bù theo giá đất nông nghiệp thì quá thiệt thòi, nên kiến nghị được mua suất TĐC...

Ông Nguyễn Trung Quân cho rằng: Đối với các trường hợp có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên 500m2, thì kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến để bán cho người dân theo suất đầu tư. Đối với các trường hợp đất ở, nếu các hộ dân đồng ý thì việc thông tuyến sẽ thuận lợi, nhưng với tình hình hiện nay, khả năng lớn là phải tổ chức bảo vệ thi công, nên có nhanh cũng phải đến 30.9.2019 mới thông tuyến được.  

“Đối với KDC, hiện nay tiến độ bồi thường đạt gần 60% và đến cuối năm sẽ đạt khoảng 80%. Vấn đề hiện nay là phải có quỹ đất xây dựng khu TĐC thì mới giải được bài toán thi công đường Chu Văn An. Do đó, công ty đang nỗ lực để đến cuối năm 2019 sẽ có quỹ đất để TĐC và cấp cho người dân. Tuy nhiên, để làm được điều này, UBND tỉnh cần có chỉ đạo cụ thể”, ông Quân nhấn mạnh.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.