(Báo Quảng Ngãi)- Xã hội hóa cảng cá (thông qua các hình thức xã hội hóa, cổ phần hóa, chuyển nhượng quyền kinh doanh...) nhằm huy động nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá. Tuy nhiên, vì còn nhiều vướng mắc, nên các cảng cá trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, ngoài 5 cảng cá và vũng neo đậu, tránh trú bão, gồm: Lý Sơn, Mỹ Á, Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ và Tịnh Hòa, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 30 bến cá tự phát, tập trung chủ yếu ở các xã Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi)... Dù không đáp ứng các điều kiện an toàn cho tàu thuyền cập cảng, neo đậu và bốc dỡ hàng hóa; không đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ... nhưng các bến cá tự phát vẫn hoạt động nhộn nhịp. Số lượng tàu thuyền cập bến và hàng hóa qua các bến cá nhiều hơn so với 5 cảng cá do nhà nước quản lý.
Cảng cá Mỹ Á (Đức Phổ) ngày càng vắng tàu thuyền, vì cửa biển thường xuyên bồi lấp nên tàu thuyền ngại trở về. |
Vậy vì sao các bến cá tự phát lại có sức hút với ngư dân, trong khi cơ sở hạ tầng của 5 cảng cá do nhà nước đầu tư khang trang hơn, an toàn hơn lại ít thu hút tàu thuyền của ngư dân?
Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn: “Bên cạnh khung pháp lý chặt chẽ, rõ ràng thì phải xóa bỏ bến cá tự phát”
Theo Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn Quảng Ngãi có 7 cảng cá. Trong đó, có 2 cảng cá loại 1 là Lý Sơn và Tịnh Hòa; 5 cảng cá loại 2, gồm: Sa Huỳnh, Mỹ Á, Trà Bồng, Tịnh Kỳ và Cổ Lũy. Vì vậy, khi xã hội hóa cảng cá phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập cảng theo Luật Thủy sản 2017, trước hết là vị trí và quy mô cảng cá phải phù hợp với quy hoạch chung, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, ảnh hưởng đến công năng và hiệu quả của công trình.
Khi tư nhân hóa các cảng cá, cơ quan chức năng phải tiến hành giám sát về chất lượng vận hành, khai thác và quản lý công trình; cũng như công tác duy tu, bảo dưỡng và thu phí. Vì bản chất của tư nhân hóa là tư nhân độc quyền trong việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng phục vụ nghề cá, nên nhà nước phải xây dựng cơ chế phù hợp, đáp ứng các yêu cầu vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng phải đúng quy định, đảm bảo an toàn, an ninh.
Vấn đề hiện nay là, vị trí và loại hình các cảng cá trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, nên hình thức tư nhân hóa chủ yếu là xã hội hóa công tác khai thác, vận hành và quản lý. Tuy nhiên, để thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào hạng mục này, trước hết phải có biện pháp xóa bỏ các bến cá tự phát, hoặc đầu tư mở rộng quy mô bến cá thành cảng cá theo đúng quy hoạch. Bởi sự tồn tại của các bến cá tự phát không chỉ tác động xấu đến công tác kiểm soát và quản lý tàu thuyền, xác nhận nguồn gốc thủy sản, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng cá.
Theo quy định, khi tàu thuyền cập cảng cá, phải nộp phí theo Quyết định 13 của UBND tỉnh, trong khi các bến cá tự phát lại miễn phí! Điều này khiến số lượng tàu thuyền cập cảng cá giảm, nên chủ đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy tu và bảo dưỡng công trình, do hụt nguồn thu.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư NN&PTNT Từ Văn Tám: “Đấu giá việc khai thác, quản lý và sử dụng cảng cá”
Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, chi phí duy tu và bảo dưỡng công trình hàng năm nhiều, nên rất khó thu hút nguồn vốn tư nhân. Đơn cử như Cảng cá Lý Sơn, kết hợp vũng neo đậu tàu thuyền (giai đoạn 2), có tổng kinh phí đầu tư trên 400 tỷ đồng.
Hay Cảng cá Cổ Lũy, nếu đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ cũng tốn khoảng 700 – 800 tỷ đồng. Vì vậy, tư nhân hóa cảng cá chỉ có thể áp dụng ở hạng mục quản lý và kinh doanh, còn cơ sở hạ tầng thì nhà nước cần đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ. Sau đó, nhà nước có thể tiến hành đấu giá và cho thuê công trình. Bên cạnh công tác quản lý, khai thác và vận hành đúng quy định, đơn vị trúng thầu cũng phải có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng tổng thể và được cơ quan thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Hợp đồng cho thuê phải quy định cụ thể quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên, nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch, tránh thất thoát tài sản nhà nước, nhưng vẫn hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Tuy chỉ đầu tư vào lĩnh vực quản lý và kinh doanh cảng cá, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; cộng với chi phí duy tu và bảo dưỡng công trình khá lớn. Vì vậy, nhà nước cũng cần có cơ chế thúc đẩy, khuyến khích, để tư nhân mạnh dạn tham gia, nhằm khai thác hiệu quả công năng của công trình, cũng như nâng cấp chất lượng dịch vụ hạ tầng cảng cá, tránh tình trạng độc quyền như hiện nay.
Bà N.T.T, chủ bến cá tự phát ở xã Bình Châu: “Cần ưu đãi vốn, hỗ trợ thủ tục hành chính để tư nhân tham gia”
Năm cảng cá trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, chỉ đáp ứng việc neo đậu cho tàu thuyền có công suất nhỏ. Ngay như Cảng cá Tịnh Kỳ, dù mới đưa vào khai thác năm 2016, nhưng chỉ cần 2 chiếc tàu có công suất 400CV cập cảng bốc dỡ hàng hóa, các tàu khác phải đợi cả ngày. Trong khi đó, nếu cập vào các bến cá, tàu thuyền được giải phóng nhanh hàng hóa, mà lại không mất phí, cũng chẳng cần các thủ tục liên quan.
Nhiều bến cá tự phát tuy nhỏ, nhưng địa thế phù hợp, trở thành nơi neo đậu và bốc dỡ hàng hóa của hàng trăm chiếc tàu thuyền. Rõ ràng, những cảng cá do nhà nước quản lý chưa hẳn đã phù hợp với đặc thù ngành nghề và tập quán của ngư dân. Vì vậy, nếu nhà nước có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về vốn, đồng thời "gỡ" bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, chúng tôi sẵn sàng đầu tư mở rộng quy mô từ bến cá thành cảng cá, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ... theo Luật Thủy sản 2017, để thu hút tàu thuyền cập bến neo đậu, cũng như bốc dỡ hàng hóa.
THANH PHONG
(thực hiện)