Trợ lực để chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm" bứt phá

06:03, 15/03/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Cùng với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi sẽ dành khoảng 290 tỷ đồng tiếp sức để Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bứt phá.
Đánh thức sản phẩm lợi thế
 
Cây nén là cây trồng truyền thống của xã Bình Phú (Bình Sơn) có đặc tính và mùi vị rất đặc biệt. Tuy nhiên, những năm qua, những loại nén kém chất lượng hơn được trà trộn bán với giá thấp, khiến cho nén Bình Phú khó cạnh tranh được trên thị trường.
 
Thực hiện chương trình OCOP, xã Bình Phú đã chọn cây nén làm sản phẩm để xây dựng thương hiệu và “Nén Bình Phú” vừa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. 
 
Đây là niềm vui lớn với người trồng nén ở Bình Phú. Ngoài niềm vui được bảo hộ còn có ý nghĩa đánh thức, nâng tầm cho sản phẩm lợi thế ở địa phương trên thị trường. Cùng với niềm vui được sở hữu nhãn hiệu tập thể, người trồng nén đang phấn khởi khi nén đang được mùa lẫn được giá.
 
"Nén Bình Phú" vừa được công nhận nhãn hiệu.
 
“Chúng tôi mong muốn có nhãn hiệu rồi, nén của xã Bình Phú sẽ được bảo hộ, giá cả ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa như các nông sản khác” - ông Nguyễn Tấn Thơi, một người dân trồng nén phấn khởi nói.
 
Cũng như nén, sản phẩm bánh tráng gắn bó với người dân ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) bao đời này. Sản phẩm đã có mặt khắp các tỉnh thành từ miền Trung, Tây Nguyên đến Sài Gòn và tận Phú Quốc.
 
Với quy mô của một làng nghề truyền thống có trên 150 hộ, với gần 400 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, bánh tráng Hành Trung mỗi ngày cung ứng cho thị trường hàng nghìn sản phẩm bánh tráng dày, mỏng các loại, trung bình mang về thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày/gia đình. 
 
Bà Võ Thị Thu, chủ cơ sở bánh tráng Hồng Anh chia sẻ: “Sản phẩm của gia đình làm bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu. Vì thế, bà con rất mong được xây dựng thương hiệu, được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi giúp mở rộng quy mô, tạo việc làm nhiều hơn cho lao động địa phương”.
 
Bánh tráng Hành Trung.
Làng nghề bánh tráng Hành Trung.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Trung, ông Trần Văn Thiện cho biết, địa phương đang làm thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí thuệ công nhận nhãn hiệu cho sản phẩm bánh tráng Hành Trung. Nếu được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, công nhận thương hiệu, Chương trình OCOP không chỉ tạo ra thương hiệu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm mà còn giúp làng nghề ngày càng phát triển.
 
Sức bật cho nông thôn mới
 
Từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn khảo sát, điều tra đánh giá các sản phẩm truyền thống trên địa bàn.
 
Để đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án OCOP tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tổng vốn đầu tư đề án khoảng 290 tỷ đồng.
 
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, ông Lê Văn Dương cho rằng, việc phê duyệt và thực hiện Đề án OCOP là tạo sức bật cho nông thôn mới, bởi nó có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất của chương trình nông nông mới, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. 
 
 
Chương trình OCOP sẽ dành khoảng 290 tỷ đồng để tạo sức bật cho chương trình.
 
Nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời cũng là giải pháp thực hiện đề án, trước tiên phải hình thành bộ máy từ tỉnh đến cơ sở. Thứ hai là cụ thể hóa các chính sách của Trung ương đễ hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, đồng thời nghiên cứu đề xuất trên cơ sở kinh nghiệm từ các địa phương khác để có chính sách riêng của tỉnh để hỗ trợ cho OCOP.
 
Phát triển sản phẩm OCOP tập trung vào hai nhóm, nhóm thứ nhất ưu tiên hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã có và nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới. 
 
“Đào tạo cho cán bộ về nội dung, phương thức điều hành, đào tạo cho doanh nghiệp, chủ cơ sở, HTX kĩ năng quản trị, điều hành để làm sao để họ trở thành CEO ở doanh nghiệp. Có như vậy mới đủ năng lực phát triển sản phẩm của mình. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình OCOP” - ông Dương cho biết thêm. 
 
Khi người dân, HTX, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của chương trình OCOP thì sản phẩm của họ được hưởng lợi từ chương trình, nỗ lực để sản phẩm của chất lượng ngày cao hơn, có đăng ký chất lượng, mẫu mã hàng hóa và có thị trường để giải quyết được vấn đề lợi ích, phát triển sản phẩm. 
 
Qua thống kê, khảo sát, hiện Quảng Ngãi có 113 sản phẩm đặc thù có thể nâng lên thành sản phẩm OCOP. Trước hết trong năm 2019, sẽ hỗ trợ cho 66 sản phẩm để tổ chức thi tuyển, chứng nhận từ 20 - 25 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 5 sao để phát triển thị trường sản phẩm.
 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 

.