(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi gần 3.000ha lúa trà sớm mang lại niềm vui được mùa cho nông dân, thì trên 29 nghìn hécta lúa trà chính lại thấp thỏm lo dịch bệnh bùng phát gây hại...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trà sớm trúng mùa
Vụ đông xuân năm nay, không những nhiều hộ nông dân ở huyện Đức Phổ trúng mùa, mà họ còn phấn khởi vì thương lái đến tận ruộng đặt hàng mua lúa tươi, với giá gần 5.000 đồng/kg.
Không chỉ khu vực đồng bằng, mà nông dân các huyện miền núi cũng “trọn niềm vui” với trà lúa sớm. Tại huyện Sơn Hà, trên 70% diện tích trà lúa sớm hiện đã được thu hoạch xong, năng suất ước đạt trên 50 tạ/ha.
Nông dân phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn. |
Theo đánh giá của chính quyền các địa phương, hầu hết trà lúa sớm trên địa bàn tỉnh đều được mùa, với năng suất ước đạt từ 50 – 55 tạ/ha. Riêng một số địa phương ở huyện Đức Phổ, Mộ Đức, năng suất đạt trên 55 tạ/ha. “Vì trà lúa sớm phụ thuộc vào nước trời, nên ngay từ đầu vụ sản xuất, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và nông dân trong việc triển khai lịch thời vụ, cơ cấu giống; đồng thời chỉ đạo các HTX củng cố đội dẫn thủy để điều tiết nguồn nước hiệu quả và tiết kiệm”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Nguyễn Tấn Lái, cho biết.
Trà chính ứng phó với dịch bệnh
Với tình hình thời tiết ngày nắng nóng, sáng sớm có sương mù đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Đặc biệt là chuột, bệnh đạo ôn lá và cổ lá, rầy nâu, rầy lưng trắng. Vì vậy, bên cạnh việc phun thuốc phòng trừ, nông dân một số địa phương ở huyện Sơn Tịnh còn sử dụng hỗn hợp vôi bột và tro bếp theo tỷ lệ 2 : 3, liều lượng từ 3 – 5kg/sào và bón vào buổi sáng, để phòng trừ bệnh đạo ôn lá và cổ lá.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, toàn tỉnh hiện có hàng nghìn hécta lúa bị nhiễm các loại sâu bệnh, chủ yếu là chuột, đạo ôn lá và cổ lá, khô vằn và rầy nâu, rầy lưng trắng. Trong đó, bệnh đạo ôn lá và cổ lá được dự đoán là đối tượng gây hại chính, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới.
Trước tình hình này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô đã yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường công tác kiểm tra và giám sát dịch bệnh, cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn cách phòng trừ cho nông dân ở các vùng có diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh nặng; cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng một số loại thuốc đặc trị tương ứng với từng loại sâu bệnh. “Điều quan trọng là nông dân phải tuân thủ quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc phòng trừ phải đúng liều lượng và nồng độ”, ông Dương Văn Tô khuyến cáo.
Bài, ảnh: NGÂN GIANG