Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái

06:03, 15/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, điện năng lượng áp mái đang phát triển, đặc biệt là phân khúc hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp (DN). Giải pháp cấp điện này mang tính chiến lược lâu dài, tiết kiệm chi phí tiền điện, nên đang được khuyến khích phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Tính đến tháng 3.2019, Quảng Ngãi có 21 đơn vị, cá nhân sử dụng điện năng lượng áp mái, gồm 5 cơ quan, DN, trường học và 16 hộ gia đình. Tổng công suất gần 100kWp. Sản lượng điện sử dụng thừa, bán cho ngành điện  khoảng 12.500kW, với giá bán 2.086 đồng/kW.

Với công suất thiết kế bình quân 3kWp/hộ gia đình và 8 - 10kWp/trụ sở cơ quan, DN, trường học, lượng điện thu được đủ sử dụng để thắp sáng, nấu ăn và các đồ dùng như tủ lạnh, máy giặt...

 Lắp đặt điện áp mái cho trường học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi.               Ảnh: TN
Lắp đặt điện áp mái cho trường học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. Ảnh: TN

Hiện tại, việc triển khai hệ thống điện năng lượng áp mái đang được ngành điện khuyến khích phát triển, tận dụng diện tích mái tại các khu dân cư có cơ sở hạ tầng điện lưới đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối vào lưới điện và phát huy tối đa hiệu quả của tấm pin năng lượng.
 

"Năm 2019, Công ty Điện lực Quảng Ngãi có kế hoạch phát triển điện năng lượng áp mái với công suất 2MWp, tương đương với lắp đặt cho khoảng 600 - 650 hộ dân sử dụng. Ngành điện đang kiến nghị với tỉnh về việc chỉ đạo các công trình, trụ sở thực hiện bằng vốn ngân sách cần ưu tiên đầu tư hệ thống điện năng lượng áp mái".


Trưởng Phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực Quảng Ngãi)
HUỲNH TRỌNG NGUYỄN

Trước đó, vào tháng 6.2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có chủ trương lắp đặt điện mặt trời áp mái. Quảng Ngãi đang xúc tiến thi công lắp đặt toàn bộ điện năng lượng áp mái tại 11 trụ sở điện lực các huyện, thành phố và trụ sở Công ty Điện lực Quảng Ngãi.

Theo tính toán của Công ty Điện lực Quảng Ngãi, chi phí lắp đặt điện năng lượng áp mái khoảng 26 triệu đồng/kWp, mỗi hộ gia đình chỉ cần lắp đặt bình quân khoảng 3 - 4kWp, tương đương 80 - 100 triệu đồng. Sản lượng điện tạo ra gần 7.000kWh/năm, tiền điện tiết giảm được khoảng 21 triệu đồng/năm.

Do đó, hộ gia đình lắp đặt điện năng lượng áp mái thì trong vòng 6 năm sẽ hoàn vốn. Đối với DN, trụ sở cơ quan, nếu lắp đặt công suất lớn hơn thì giá thành thi công sẽ giảm, nhưng sản lượng điện tạo ra lớn hơn, số tiền điện tiết giảm sẽ lớn tương ứng và thời gian hoàn vốn rút ngắn chỉ còn khoảng 5 năm. Trong khi đó, tuổi thọ của điện năng lượng áp mái bình quân 25 năm.

Lãnh đạo Phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực Quảng Ngãi) khẳng định, đây là giải pháp góp một sản lượng điện vô cùng lớn cho đất nước,  nếu khuyến khích được các hộ gia đình cùng tham gia. Hiện tại, chi phi lắp đặt đã giảm, trong khi chất lượng được nâng lên. Nếu người dân mạnh dạn đầu tư sẽ giảm gánh nặng đầu tư thêm những nhà máy điện mới, nhưng vẫn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đối với các hộ gia đình, mỗi tháng dùng 300 - 400kWh, việc đầu tư điện áp mái là một giải pháp thông minh, tiết kiệm lâu dài.

Tuy nhiên, hiện tại việc triển khai điện năng lượng áp mái còn một số băn khoăn, cần được sớm tháo gỡ. Đó là, theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11.4.2017, các dự án điện mặt trời lắp mái nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng công tơ hai chiều, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện là ngành điện, với giá bán điện theo quy định. Thế nhưng, hiện tại vẫn chưa có cơ chế rõ ràng về vấn đề này.


THANH NHỊ


.