(Báo Quảng Ngãi)- Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là OCOP) triển khai thực hiện tại 184 xã, phường, thị trấn của tỉnh, với mục tiêu góp phần chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra thì vẫn còn nhiều nỗi lo, nhất là bài toán xử lý môi trường trong quá trình sản xuất và đầu ra cho sản phẩm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đề án OCOP hướng đến phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có những sản phẩm từ các nghề truyền thống của người dân địa phương. Như ở xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) thì có nghề làm bún tươi. Theo thống kê của UBND xã Nghĩa Mỹ, tại thôn Phú Mỹ có 66 hộ dân làm nghề bún tươi truyền thống. Sản lượng trung bình bán ra thị trường khoảng 13 tấn/ngày, những dịp lễ, Tết, sản lượng còn cao hơn.
“So với các nghề khác ở địa phương như trồng hoa, làm rau màu, thì nghề bún có lợi thế là nghề truyền thống, mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Các hộ làm nghề bún còn kết hợp phát triển chăn nuôi heo để tăng thêm thu nhập cho gia đình”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ Nguyễn Công Binh cho hay.
Nông dân trồng rau sạch luôn lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. |
Tuy nhiên, những năm qua, bài toán xử lý môi trường ở làng bún Nghĩa Mỹ vẫn đang là vấn đề trăn trở của chính quyền địa phương, vì nước làm bún thải trực tiếp xả ra môi trường. Do đó, dù nghề bún tươi Nghĩa Mỹ có từ lâu đời, cung ứng số lượng lớn trên thị trường, nhưng vẫn chưa thể xây dựng thành làng nghề, bởi vướng tiêu chí môi trường.
Theo định hướng đến năm 2020, đề án OCOP sẽ hoàn thiện tiêu chuẩn hóa khoảng 66 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có, phát triển mới 4 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, chứng nhận khoảng từ 20 – 25 sản phẩm đạt hạng từ 3 – 5 sao và ít nhất 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp tỉnh, phát triển 1 – 2 điểm văn hóa du lịch đạt chuẩn. |
“Để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đòi hỏi khoảng kinh phí 12 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn đối với chính quyền và người dân, nên chưa thể triển khai được”, ông Binh cho biết. Vì thế, để nghề làm bún tươi trở thành một sản phẩm hàng hóa của xã Nghĩa Mỹ thì cần phải có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề này.
Đầu ra của sản phẩm (Mỗi xã một sản phẩm) thiếu ổn định cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp “mất sức” cạnh tranh trên thị trường. Chuối lùn Tịnh Hà (Sơn Tịnh), là một trong 44 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm dự kiến trong đề án.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND xã Tịnh Hà, sau khi mời nhiều doanh nghiệp về khảo sát, nhưng vì đầu ra bấp bênh, trong khi chuối lùn không thể bảo quản lâu, nên xã đã chuyển qua chọn lúa giống để thực hiện đề án OCOP.
Còn với sản phẩm rau an toàn, những năm qua cũng gặp rất nhiều khó khăn trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Tại vùng rau được quy hoạch sản xuất rau an toàn ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), nhiều nông dân cho biết, họ đã quay lại với cách trồng rau truyền thống, mặc dù đã học và trồng rau theo quy trình VietGAP. Do đầu ra rất ít, phần lớn sản phẩm bán cho thương lái chợ đầu mối, với giá bằng với các loại rau trồng bình thường, nên họ không còn “mặn mà” với rau an toàn.
Xử lý ô nhiễm môi trường từ bài toán nan giải ở làng bún Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa). |
Do đó, để tạo được sức bật như kỳ vọng, các ngành chức năng cần có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng về quy trình sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, nhãn mác cho sản phẩm; đồng thời nâng cao năng lực thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm... Có như vậy người sản xuất mới gắn kết bền vững với sản phẩm.
Bài, ảnh: BẢO HÒA