Cây mía cần hướng đi bền vững

09:03, 03/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 – 2025, diện tích mía toàn tỉnh có 4.300 – 4.400ha, năng suất đạt 60 – 70 tấn/ha. Tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển vùng sản xuất mía trên 73 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách trên 44,7 tỷ đồng, doanh nghiệp 22,7 tỷ đồng và dân gần 6 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía (theo quy hoạch) trên 26,8 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này, phần vốn ngân sách vẫn chưa được phân bổ.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2018, diện tích mía toàn tỉnh chỉ đạt hơn 2.900ha, giảm 346ha; năng suất đạt trên 58 tấn/ha, sản lượng ước khoảng 171 nghìn tấn, giảm hơn 10 nghìn tấn so với năm 2017. Thời điểm này, giá mía nguyên liệu là 770 nghìn đồng/tấn, loại 10 chữ đường, bằng với thời điểm cuối năm 2017.

 Là đối tượng cây trồng chủ lực, nhưng cây mía đang mất dần vị thế, vì giá trị kinh tế ngày càng sụt giảm.
Là đối tượng cây trồng chủ lực, nhưng cây mía đang mất dần vị thế, vì giá trị kinh tế ngày càng sụt giảm.

Hiện Nhà máy Đường Phổ Phong chỉ hoạt động 65 – 73% công suất, với 1.200 tấn/ngày, trong khi công suất thiết kế là 1.800 – 2.000 tấn/ngày. Với tình hình thực tế như trên, việc duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía theo quy hoạch của tỉnh đang đứng trước nhiều thách thức.

 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Ngọc Thương: “Doanh nghiệp phải chủ động “cứu” mình”

Vì sao nông dân quay lưng với cây mía, loại cây trồng truyền thống và có sẵn doanh nghiệp (DN) bao tiêu đầu ra là Nhà máy Đường Phổ Phong? Dù DN thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và bao tiêu đầu ra, thậm chí bảo hiểm năng suất cho cánh đồng mía lớn, từ 90 – 100 tấn/ha, nhưng vẫn không thu hút nông dân đầu tư vùng nguyên liệu. Thực tế, mối liên kết giữa DN và nông dân không bền vững, nên diện tích vùng nguyên liệu mía biến động theo giá cả thị trường. Điều này khiến DN bị động nguồn nguyên liệu sản xuất, còn nông dân thì thấp thỏm... đợi giá!

Đã đến lúc DN và nông dân phải sòng phẳng với nhau trong quá trình liên kết, cùng chia sẻ lợi nhuận và khó khăn, tránh tình trạng “bỏ rơi” nhau lúc thị trường biến động. Để nông dân “sống khỏe” với cây mía, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương, thì đã đến lúc DN phải xác định lại diện tích vùng nguyên liệu. Thay vì mở rộng diện tích, DN nên xác định vùng trọng tâm, trọng điểm trồng mía. Trên cơ sở đó tập trung nguồn lực đầu tư, hình thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hóa, để nâng cao năng suất và chất lượng, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

 

Phó Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong Trần Đức Triều:  “Mong người trồng mía chia sẻ và hợp tác”

Giá đường hiện nay giảm chỉ còn 10.800 đồng/kg, nên giá mía nguyên liệu theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT là gần 750 nghìn đồng/tấn. Chia sẻ khó khăn với người trồng mía, cũng là để “giữ” vùng nguyên liệu, Nhà máy Đường Phổ Phong vẫn thu mua với giá 770 nghìn đồng/tấn, bằng thời điểm cuối niên vụ mía 2017 – 2018; đồng thời cam kết bao tiêu hết sản lượng mía của nông dân trong vùng nguyên liệu. Cùng với đó, nhà máy cũng áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía mới, đó là cấp phân bùn và miễn chi phí vận chuyển, hỗ trợ 10 – 30% giá trị cơ giới hóa các khâu làm mía...

Tuy nhiên, diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, trong khi chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa của tỉnh lại không áp dụng cho cây mía, nên việc tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng mía lớn còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu mía vừa thiếu, vừa yếu, trong khi ngân sách chưa phân bổ nguồn vốn hỗ trợ theo Quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 – 2025, nên DN cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ nguồn lực, DN cũng mong các ngành chức năng không quy hoạch “mở” diện tích vùng mía, tránh tình trạng nông dân quay vòng với việc lựa chọn cây trồng, khiến DN bị động nguồn nguyên liệu.

Cùng với đó, DN cũng rất mong nông dân chia sẻ khó khăn và hợp tác, thực hiện theo đúng kế hoạch sản xuất của nhà máy, nhất là công tác thu hoạch. Hiện nay, trên 90% mía nguyên liệu được nhà máy thu mua tại ruộng, nên không có chuyện nhà máy cố tình chậm trễ trong việc thu mua và vận chuyển, để làm khó nông dân.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung: “Cần liên kết vùng nguyên liệu”

Trên địa bàn huyện Bình Sơn nói riêng và của tỉnh nói chung, vùng nguyên liệu sản xuất mía mang tính chất hộ gia đình, nhỏ lẻ, nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch mía còn hạn chế. Vì vậy, năng suất và chất lượng mía thấp, kéo theo giá trị kinh tế của cây mía ngày càng giảm.

Để phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, DN cần thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân áp dụng cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch, tổ chức lại vùng mía và triển khai các mô hình thâm canh theo phương thức cánh đồng mía lớn, sử dụng các giống mía có năng suất và chất lượng cao... Đồng thời, xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết giữa các nhà máy trong khu vực. Trên cơ sở đó, sẽ hình thành hệ thống chế biến sản phẩm, cũng như tận dụng phụ phẩm từ cây mía, để sản xuất ra các sản phẩm khác, phục vụ các ngành sản xuất thực phẩm, nhiệt điện... nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả cho nông dân.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng: “Doanh nghiệp cần đảm bảo hài hòa lợi ích cho nông dân”

Sản xuất mía đường đã có sự liên kết giữa DN và nông dân, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của DN cũng như người trồng mía. Vì vậy, với những khó khăn như hiện nay, chúng tôi cũng rất chia sẻ với DN, nhưng không thể vì “vận hành theo cơ chế thị trường”, mà DN “bỏ rơi” người trồng mía. Bởi, với giá mía hiện nay, cộng với năng suất chưa đến 60 tấn/ha thì, dù DN thu mua mía nguyên liệu tại ruộng, nông dân vẫn lỗ gần 20 triệu đồng/ha (chưa kể công chăm sóc). Vì vậy, tình trạng nông dân bỏ cây mía, trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn cũng là điều dễ hiểu.

Để duy trì và phát triển bền vững vùng nguyên liệu, bên cạnh các chính sách hỗ trợ sản xuất, DN cũng phải nghiên cứu mức giá thu mua phù hợp, đảm bảo người trồng mía có lợi nhuận. Nếu giá thu mua mía tiếp tục giảm, đề nghị DN thông báo sớm kế hoạch trồng, để các địa phương chủ động tính toán, cân đối diện tích; chứ không thể cứ giao chỉ tiêu, kế hoạch rồi “ép” nông dân trồng mía bằng mọi giá.

 

Ông Đinh Hồng Yên, xã Sơn Thành (Sơn Hà): “Doanh nghiệp phải xem người trồng mía là bạn, chứ không phải người làm công”

Mặc dù có sự liên kết trong sản xuất và thu mua sản phẩm, nhưng DN chưa xem người trồng mía là bạn, nên mới xảy ra tình trạng “thân ai nấy lo”. Những lúc rủi ro, hoặc giá mía nguyên liệu xuống thấp, nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay vòng vốn đầu tư, nhưng không thấy DN chia sẻ, hỗ trợ. Thậm chí, có thời điểm DN còn “làm khó” nông dân, như việc thu mua, vận chuyển chậm; tỷ lệ trừ tạp chất quá cao, đánh giá chữ đường thiếu khách quan...

Mặc dù hiện nay, DN đã khắc phục tình trạng này bằng cách thu mua mía tại ruộng, nhưng với giá mía thấp như hiện nay, diện tích cây mía chắc chắn sẽ bị thu hẹp. Bởi, thu nhập từ trồng mía hiện chưa đến 50 triệu đồng/ha, trong khi các loại cây trồng cạn (bắp, đậu phụng, mè...) đã đạt trên 70 triệu đồng/ha.

MỸ HOA
(thực hiện)

 


.