Cần tận dụng cát nạo vét nhiễm mặn cho san lấp mặt bằng

11:03, 29/03/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Trước việc khối lượng cát nạo vét của các dự án tại KKT Dung Quất rất lớn, lãnh đạo BQL KKT Dung Quất đề xuất cần tận dụng bớt nguồn cát nhiễm mặn này cho các dự án san lấp mặt bằng trên bờ và các vùng trũng, nhiễm mặn thay vì nhấn chìm toàn bộ.
Lượng cát nạo vét khá lớn
 
Cuối tháng 2.2019 vừa qua, Bộ TN&MT đã có quyết định cho phép Hòa Phát Dung Quất được nhận chìm vật chất ở biển. Theo đó, khối lượng vận chất được nhận chìm gồm 2 giai đoạn là 15,39 triệu m3, trong đó cát chiếm khoảng 86,4%, bùn sét chiếm khoảng 13,6%.
 
Toàn bộ khối lượng vật chất được phép nhận chìm ở biển là chất nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
 
Khối lượng nạo vét của Hòa Phát là rất lớn
Khối lượng nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án Thép Hòa Phát Dung Quất là rất lớn
 
Phương tiện chuyên chở và cách thức nhận chìm: sử dụng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000 - 35.000 m3, mỗi loại tàu vận chuyển 3 chuyến/ngày; nhận chìm theo hình thức xả đáy. Thời điểm và thời hạn thực hiện hoạt động nhận chìm 15 tháng, từ ngày 1.3.2019 đến hết ngày 31.5.2020.
 
Ông Nguyễn Minh Tài- Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài Hòa Phát có khối lượng nạo vét khá lớn thì hiện nhiều dự án khác tại KKT Dung Quất khi triển khai cũng sẽ dư khối lượng bùn, cát nhiễm mặn cũng không nhỏ, như cảng Hào Hưng, cảng tổng hợp container...
 
Hiện khối lượng vật chất của 3 cảng này khoảng gần 24 triệu m3, trong đó Hòa Phát là 15,3 triệu, Cảng Hào Hưng khoảng 4 triệu m3, cảng tổng hợp container 4 triệu m3. 
 
Nên tận dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng 
 
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tài- Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, qua khảo sát thực địa tại Khu kinh tế Dung Quất, các dự án đã đăng ký thực hiện với tỉnh (hiện chỉ chờ giải phóng mặt bằng, tiến hành đền bù) đang thiếu khoảng 15 triệu m3 đất, cát để san lấp mặt bằng.
 
Những công trình này đều nằm ở vùng nhiễm mặn mới sử dụng được vật, chất này. Các dự án này có tổng diện tích lên đến hàng trăm ha ở vùng trũng sâu, nhiễm mặn ven sông, ven biển, với độ sâu cần san lấp từ 5 đến 7m, do đó cần một khối lượng lớn vật liệu san lấp mặt bằng.
 
Đối với việc nhận chìm vật chất nạo vét của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã được Bộ TN&MT chấp thuận. Hiện doanh nghiệp này cũng đang gấp rút tiến hành các bước để triển khai thực hiện, vì vậy để doanh nghiệp này thay đổi phương án là rất khó, mà chỉ có thể tận dụng một phần trong số hơn 15 triệu m3 vật chất trong quá trình nạo vét để san lấp mặt bằng cho các dự án khác.
 
Hòa Phát sẽ thuê tàu hút bụng xả đáy tự hành của nước ngoài để thực hiện việc nạo vét và nhấn chìm
Hòa Phát sẽ thuê tàu hút bụng xả đáy tự hành của nước ngoài để thực hiện việc nạo vét và nhấn chìm
 
Việc tận dụng cát, vật chất nạo vét từ quá trình thi công các cảng cho các dự án vùng trũng sâu, nhiễm mặn ven sông, ven biển tại KKT Dung Quất là hợp lý và hiệu quả.
 
Bởi, việc tận dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án có địa hình trũng sâu sẽ hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý môi trường sẽ dễ hơn đối với việc nhận chìm ở biển, góp phần tăng nguồn thu từ thuế tài nguyên, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho nhà đầu tư khi phải nhận chìm ở biển.
 
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, thời gian qua, Hòa Phát cũng liên tục tìm kiếm các dự án trong tỉnh để cung cấp cát nạo vét nhưng không có, vì một số dự án chưa giải phóng mặt bằng được hoặc có quy mô quá nhỏ.
 
Hơn nữa, việc đưa cát lên bờ để chờ san lấp cần phải có bãi chứa lớn. Tập đoàn sẵn sàng cung cấp vật chất nhận chìm để san lấp mặt bằng cho các dự án của tỉnh nếu khớp tiến độ và công tác nạo vét đảm bảo chuẩn tắc luồng ra thông báo hàng hải; đồng thời ưu tiên nhất đối với tiến độ của dự án.
 
Ngày 19.3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm bùn, cát nạo vét cảng của Hòa Phát.
 
Trách nhiệm trong giấy phép nhận chìm đã ghi rất rõ, hoạt động quan trắc, đánh giá tác động nhận chìm hơn 15 triệu m3, chủ dự án phải thuê tư vấn để đặt các trạm quan trắc tốc độ lan truyền của vật liệu mịn, tức là bùn sét, quan trắc chất lượng nước và các yếu tố môi trường, hệ thống trạm quan trắc được quy định rất rõ trong giấy phép.
 
Doanh nghiệp phải thường xuyên báo cáo cho Bộ, tổ công tác liên ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Trong trường hợp có vấn đề gì ảnh hưởng đến môi trường thì lập tức dừng hoạt động nhận chìm lại.
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.