(Báo Quảng Ngãi)- Cảng biển bị bồi tụ khiến tàu, thuyền ra vào không đảm bảo an toàn. Khu vực quy hoạch xây dựng cảng biển công nghiệp để tiếp nhận tàu trọng tải lớn cũng không thể nạo vét, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án... Nguyên nhân của thực trạng trên là do chưa có quy hoạch vùng nhận chìm, đổ thải.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lo ngại cảnh cảng biển bị bồi lấp
Cảng Sa Kỳ là một trong những cảng biển có lưu lượng phương tiện tàu khách, tàu cá hoạt động nhộn nhịp nhất tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng bồi lấp nặng khiến cho việc ra vào cảng của tàu vận tải hoạt động trên tuyến hết sức khó khăn. Vào những ngày cao điểm có khoảng 20 lượt tàu khách ra vào cảng, với thời gian 30 phút/lượt.
Ngoài ra, số lượng tàu cá của ngư dân cũng ra vào cảng tấp nập. Do lưu lượng phương tiện sử dụng dịch vụ cảng quá nhiều, trong khi cảng biển đang bị bồi lấp, nên các tàu cao tốc trong quá trình xuất bến, hoặc vào cảng đều phải chạy từng chiếc một từ cửa biển đến cầu cảng nhà ga Sa Kỳ.
Sau hai năm, kế hoạch nạo vét cảng biển Sa Kỳ vẫn chưa thể thực hiện được dù cảng biển này đang bị bồi lấp, gây mất an toàn trong hoạt động vận tải thủy trên tuyến. |
Chủ một tàu cao tốc hoạt động trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn cho biết: Trước đây, sau khi cảng Sa Kỳ được nạo vét, tàu khách và tàu cá ra vào cảng cùng lúc rất thỏa mái. Tuy nhiên, hai năm qua cảng biển bị bồi lấp nên việc điều khiển tàu trong khu vực cảng gặp nhiều khó khăn. Gần như các tàu phải “né” nhau ngoài biển để tránh “đối đầu” khi vào trong khu vực cảng, vì tại một số vị trí độ sâu không đủ để hai tàu cùng di chuyển. Đề nghị các ngành chức năng cần sớm thông luồng cảng biển để hoạt động tàu khách thuận lợi hơn.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi Lê Văn Lương cho biết: Năm 2017, Bộ GTVT đã có kế hoạch nạo vét cảng Sa Kỳ, nhưng sau đó UBND tỉnh đề nghị bàn giao cảng biển này cho UBND tỉnh quản lý, nên các kế hoạch trước đó được Bộ GTVT hủy bỏ, kể cả kế hoạch vốn thực hiện. UBND tỉnh vẫn chưa có ý kiến cụ thể kể từ buổi làm việc giữa Cục Hàng hải với UBND tỉnh, nên đến nay việc nạo vét cảng biển vẫn “treo”, dù Cảng vụ vẫn quản lý tuyến đường thủy này.
“Cảng biển Sa Kỳ hiện bị bồi lấp khoảng 1,2m, độ sâu còn lại vẫn đảm bảo cho phương tiện ra vào cảng, nhưng về lâu dài không an toàn, vì trong thiết kế cảng biển Sa Kỳ có độ âm đáy 3,5m, nhưng hiện nay độ sâu chỉ còn 2,3m”, ông Lương nói.
Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương cho biết thêm: Mỗi ngày, tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và các tàu cá, tàu chở hàng... ra vào cảng Sa Kỳ cả trăm lượt. Nhưng hiện tại, luồng quá cạn nên hai tàu cao tốc không thể ra vào cùng lúc, mà phải “né” nhau ngoài biển, vì chỉ duy nhất có một lối ra vào đủ độ sâu, gây khó khăn cho hoạt động ở cảng biển.
“Nếu có vùng quy hoạch thì sẽ rất dễ dàng trong quá trình thực hiện các dự án nạo vét, thông luồng. Quy hoạch vùng nhận chìm, đổ thải cũng giống như trong quy hoạch xây dựng đô thị vậy, có quy hoạch thì bám theo đó mà thực hiện. Còn hiện nay mọi thứ vẫn “đang bàn” nên rất khó khăn. Để đảm bảo tính pháp lý trong cấp phép nhận chìm, Bộ TN&MT, Chính phủ cần sớm ban hành quy hoạch tổng thể vùng nhận chìm trên biển”.
|
Bế tắc nơi đổ thải
Trước tình trạng cảng biển Sa Kỳ bị bồi lấp nặng làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải khách, nơi neo đậu tàu thuyền của người dân, năm 2016, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ GTVT phân bổ kinh phí nạo vét thường xuyên cảng Sa Kỳ. Đến tháng 10.2017, UBND tỉnh cấp giấy phép cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Miền Bắc được nạo vét cảng biển kèm theo vị trí đổ thải cách bờ khoảng 5km, rộng khoảng 5ha, cách khu vực nạo vét 3 - 7km, khối lượng bùn thải khoảng 62.000m3. Tuy nhiên, việc này dẫn đến nhiều lo ngại sẽ ảnh hưởng đến bãi tắm biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi), nên việc nạo vét cảng biển này tạm dừng từ đó cho đến nay.
Không riêng gì cảng Sa Kỳ, nhiều cảng biển khác trên địa bàn tỉnh cũng đang cần nạo vét để đảm bảo an toàn cho tàu trọng tải lớn ra vào cảng, như cảng Hào Hưng, Hòa Phát (KKT Dung Quất). Các cảng này có khối lượng nạo vét tương đối lớn (lên đến hàng triệu mét khối), nhưng vị trí san lấp, tạm chứa trên bờ không có. Việc xuất khẩu thì không thể thực hiện được, do vướng quy định của Chính phủ trong việc tạm dừng xuất khẩu cát ra nước ngoài. Do đó, phương án khả thi nhất mà các đơn vị nạo vét thực hiện là nhận chìm ngoài biển. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch vùng nhận chìm cụ thể nên đến nay nhiều dự án nạo vét cửa biển, cảng vẫn phải chờ.
Dự án bị ảnh hưởng lớn nhất trong việc nạo vét cảng biển là dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất. Theo kế hoạch của chủ đầu tư, đến hết quý I/2019 việc thi công cảng Hòa Phát để tiếp nhận tàu có tải trọng tối đa lên đến 200.000DWT phải hoàn thành và đưa giai đoạn 1 của dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh đã có ý kiến, nhưng đến nay việc nạo vét cảng biển nói trên vẫn chưa thể thực hiện được, vì có nhiều lo ngại đến môi trường cũng như vùng đổ thải có phù hợp trong quy hoạch sau này hay không.
Sớm có quy hoạch vùng nhận chìm
Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những cơ sở pháp lý để Bộ TN&MT cấp phép cho các đơn vị thực hiện việc nhận chìm vật chất nạo vét, bùn thải... là dựa vào Nghị định 51 năm 2014 của Chính phủ về giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, trong đó có hoạt động nhận chìm. Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý cảng biển “đau đầu” chính là không có quy hoạch xác định khu vực cho phép nhận chìm.
Chưa có quy hoạch tổng thể vùng nhận chìm vật chất nạo vét cộng với nhiều vấn đề liên quan khác nên đến nay dự án nạo vét cảng biển Hòa Phát Dung Quất vẫn chưa thể thực hiện được do khối lượng vật chất nạo vét quá lớn. |
Được biết, quy hoạch sử dụng biển đã được Bộ TN&MT xây dựng và trình Chính phủ. Tuy nhiên, vừa qua Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, nên phải xây dựng thêm quy hoạch không gian biển và trình Quốc hội thông qua. Lộ trình đặt ra đến 2020 mới trình ra Quốc hội việc quy hoạch này.
Trong khi từ nay đến thời điểm đó vẫn phải giải quyết các vấn đề thực tiễn về nhận chìm, các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nên cần có giải pháp tháo gỡ trước mắt. Bộ TN&MT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có biển, trong khi chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch không gian biển, tiếp tục quy định địa điểm đổ thải, xử lý bùn nạo vét trên biển.
Tuy nhiên, hiện nay đa phần khu vực quy hoạch vùng biển đổ thải tạm thời của vùng biển trên địa bàn tỉnh chỉ cách bờ tối đa khoảng 7 hải lý, nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, các địa điểm du lịch biển...
Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải cho biết: Mỗi một lần tiến hành nạo vét cảng biển là phải đi xin khu vực nhận chìm. Sở cũng đã kiến nghị Bộ TN&MT nhiều lần trong việc quy hoạch vùng nhận chìm, đổ thải. Không riêng gì Quảng Ngãi, mà các tỉnh, thành ven biển khác cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC