(Báo Quảng Ngãi)- Đại công trình thủy lợi Thạch Nham xây dựng hoàn thành như một kỳ tích, biến ước mơ từ bao đời của nông dân Quảng Ngãi trở thành hiện thực khi dòng nước từ thượng nguồn ở miền tây của tỉnh được dẫn về tưới tắm cho khắp các cánh đồng ở hạ du. Câu chuyện cứ ngỡ như mơ ấy đã hơn 30 năm, cứ cuốn hút người nghe vì một lẽ, đó là mạch nguồn của sự no ấm cho các thế hệ người dân ở miền đất Ấn - Trà...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Công trình Thạch Nham được Bộ Thủy lợi và tỉnh Nghĩa Bình chính thức làm lễ khởi công xây dựng năm 1985. Đây là công trình trọng điểm cấp Nhà nước. Hơn 10 năm thi công công trình là chặng đường gian lao không kể xiết, có cả mồ hôi, nước mắt và máu của cán bộ, công nhân trên công trường. Giá trị của lòng quyết tâm và sức lao động như hằn sâu trong từng khối đá, viên gạch ở “công trình thế kỷ” của tỉnh sau ngày tái lập tỉnh.
Nóng lòng “dẫn nước nhập điền”
Từ bao đời, nông dân ở các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ... quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng vẫn không đủ ăn, vì ruộng đồng thiếu nước tưới. Nhiều nơi chỉ sản xuất một vụ lúa gieo trong năm, lại trông chờ nước trời, nên năng suất đạt chưa tới 15 tạ/ha. Chính vì thế, Trung ương và tỉnh Nghĩa Bình, sau đó là tỉnh Quảng Ngãi bắt tay thi công công trình thủy lợi Thạch Nham.
Công trình đầu mối Thạch Nham. Ảnh: Nhật Thảo |
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Cao Minh, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo công trình thủy lợi Thạch Nham cho hay, sau ngày tái lập tỉnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là dồn sức cho Thạch Nham. Thế nhưng, những ngày đầu ra “ở riêng”, điều kiện của tỉnh rất khó khăn, nguồn thu hằng năm thấp xa so với nhu cầu chi, trong khi tỉnh cam kết khi phê duyệt công trình là sẽ cùng góp vốn theo tỷ lệ 4/6 (Trung ương 6 phần, tỉnh 4 phần).
Biết được cái khó của Quảng Ngãi, nên Chính phủ chấp thuận hằng năm cân đối vốn cho Thạch Nham, không còn cách tính 4/6. Trên công trường Thạch Nham, cán bộ, công nhân ngày đêm thi công hối hả. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên có mặt để động viên anh em. Thạch Nham là công trình của lòng dân, bởi vậy người dân ở các địa phương thường mang đến biếu anh em trên công trường nào là trái bắp, bó rau, con gà...
Năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm nhân dân Quảng Ngãi và thị sát công trình Thạch Nham. “Chính phủ quyết định tập trung vốn cho công trình Thạch Nham để đến năm 1995 phải cơ bản hoàn thành, có như vậy mới giúp nông dân Quảng Ngãi hạn chế được thiên tai, sớm ổn định cuộc sống”, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói dứt khoát. Vậy là chỉ đạo của Thủ tướng sớm hơn so với kế hoạch dự kiến của Bộ Thủy lợi và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến 4 - 5 năm.
“Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đi thăm công trình Thạch Nham, hòa chung niềm vui cùng bà con nông dân khi dòng nước mát chảy vào những cánh đồng mà trước kia bỏ hoang do thiếu nước. Bác Đồng căn dặn lãnh đạo tỉnh: “Thủy lợi đã có, giờ các đồng chí coi vùng đất nào hợp với loại cây trồng, vật nuôi gì thì hướng dẫn cho dân làm, đặc biệt là cây mía, chứ độc canh cây lúa thì khó phát triển lắm”.
|
Công trình có nhiều cái nhất
Cụm đầu mối công trình xây dựng đập dâng bằng bê tông cốt thép dài 200m, cao trung bình 10m, được xây dựng trên nền đá granit, hai cống lấy nước bắc, nam có lưu lượng thiết kế 55m3/s . Với hai tuyến kênh chính bắc, nam vươn dài vượt qua hai dòng sông Trà Bồng, Sông Vệ với tổng chiều dài 66km và hàng nghìn kilômét kênh các cấp, công trình trên kênh các loại, công trình có đủ sức đưa nước sông Trà tưới cho 50.000ha đất canh tác, trước mắt tưới chủ động cho 31.700ha của 7 huyện, thành phố đồng bằng từ Bình Sơn đến Đức Phổ. |
Đi khắp đó đây để khảo sát, thi công nhiều công trình lớn của đất nước, vậy mà ông Trương Minh Khiêm (79 tuổi), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Khảo sát và Xây dựng số 4 nói chắc mẩm: “Công trình Thạch Nham để lại trong tôi dấu ấn khó quên nhất”. Ông Khiêm quê Nghệ An. Có lẽ cũng vì thế mà ông chọn Quảng Ngãi là quê hương thứ hai.
Ông Khiêm cho biết: Đây là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên, có thời gian khảo sát dài nhất, từ năm 1977 -1995. Đây cũng là công trình khảo sát gặp nhiều khó khăn nhất; có khối lượng khảo sát lớn nhất.
“Để chọn tuyến đập, tuyến kênh với phương án tuyến tốt nhất, tại đầu mối phải khoan trên sông rộng 200m nơi thác Ông hòn Bà, nước lúc nào cũng chảy xiết, năm nào cũng bị lũ làm phà khoan trôi lật, sau lũ anh em lại phải vớt máy lên bảo dưỡng để khoan tiếp. Hệ thống kênh đi qua nhiều vùng có cao lanh, vùng gặp đá phải khảo sát chọn tuyến nhiều lần”, ông Khiêm nhớ lại.
Ông Khiêm kể, khó nhất là xử lý móng để làm đập bê tông, vì có khe nứt dưới lòng đất ở giữa sông. Vào cái ngày khe nứt được xử lý thành công, anh em vui mừng đến rơi nước mắt.
Suốt hơn 10 năm thi công công trình Thạch Nham cũng là ngần ấy năm ông cùng với anh em trong đơn vị ăn Tết tại công trình trong sự đùm bọc, sẻ chia của người dân các địa phương nơi công trình đi qua.
Và rồi, ông Khiêm nghẹn ngào nói: “Đây là công trình có cán bộ, công nhân xí nghiệp hy sinh nhiều nhất. Có 5 đồng chí hy sinh tại công trình, trong đó có 3 người mất vì sốt rét, 2 người mất vì tai nạn trên sông nước do lũ. Giờ vẫn còn bia tưởng niệm các đồng chí đã hy sinh...”.
Cuối cùng là cái nhất mà ông Khiêm bảo rằng, triệu trái tim hòa chung một nhịp đập khi mạch nguồn của sự no ấm tuôn chảy khắp các cánh đồng trong tỉnh, đó là công trình hiệu quả nhất. Còn nhớ cái ngày dòng nước Thạch Nham chảy về các cánh đồng, nhiều nông dân không tin vào mắt mình, cứ ngỡ là mơ.
***
Từ ngày có nước Thạch Nham, hình ảnh cánh đồng bạc màu, khô khốc vì thiếu nước đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó là bạt ngàn màu xanh của ruộng lúa, rau màu, là hình ảnh các bác nông dân nhoẻn miệng cười khi thóc lúa đầy bồ. Giấc mơ đã thành hiện thực, con nước đã đưa cuộc sống no ấm về với mọi người, mọi nhà...
MINH ANH