(Báo Quảng Ngãi)- Hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa khoảng 66 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có; phát triển mới 4 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm; chứng nhận khoảng từ 20-25 sản phẩm đạt hạng từ 3-5 sao và có ít nhất 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao cấp tỉnh; phát triển 1-2 điểm văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn; Củng cố khoảng 100 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn hiện có. Đây là mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt (Đề án OCOP tỉnh).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong giai đoạn 2021 – 2030, Đề án đề ra mục tiêu hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa khoảng 100 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có và phát triển mới 7 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP; phát triển các tổ chức kinh tế: phát triển mới ít nhất 14 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; đảm bảo cho chu trình OCOP được vận hành một cách tự động, tự giác trở thành một phong trào thi đua khởi nghiệp mạnh mẽ; có đội ngũ cán bộ, chuyên gia được chuyên nghiệp hóa, hoạt động hiệu quả.
Nhiều đặc sản Quảng Ngãi đã có thương hiệu bày bán trong siêu thị. |
Đề án sẽ triển khai thực hiện tại 184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đối tượng thực hiện gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Chủ thể thực hiện là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, trong đó chú trọng các HTX, SMEs.
Đề án phát triển sản phẩm, dịch vụ tập trung phát triển 66 sản phẩm hiện có dự kiến lựa chọn hoàn thiện, nâng cấp trong chương trình OCOP của tỉnh theo 6 nhóm, gồm: Thực phẩm (40 sản phẩm); đồ uống (4 sản phẩm); thảo dược (4 sản phẩm); vải - may mặc (1 sản phẩm); lưu niệm - nội thất- trang trí (11 sản phẩm); dịch vụ du lịch nông thôn (6 sản phẩm). Ngoài ra, còn có 4 sản phẩm mới cũng sẽ tham gia chương trình OCOP 2018-2020 gồm: Măng tây Linh Đan Mộ Đức, mật ong rừng Ba Tơ, gừng gió Tây Trà, du lịch sinh thái Bãi Dừa Nghĩa Hòa.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình khoảng 290 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước gần 90 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách 200 tỷ đồng.
Tin, ảnh: H.HÀ